Video: Hàng nghìn container chở hàng mắc kẹt ở cửa khẩu Lạng Sơn
Trung Quốc hạn chế thông quan nhiều ngày nay khiến hàng hóa Việt Nam chưa thể xuất khẩu. Nhiều xe chở hàng phải quay đầu, đổi hướng tiêu thụ nội địa vì trái cây bắt đầu hư hỏng. Thậm chí, nhiều tài xế còn nhận lệnh bán "xả" hàng ngay trên đường để vớt vát vốn. Tình trạng này kéo giá nhiều mặt hàng ở vựa trái cây miền Tây xuống thấp.
Lo lỗ vốn, mất Tết
Những ngày này, anh Phan Văn Nghĩa (ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) không nguôi lo lắng khi 8 container mít Thái đang trong giai đoạn thu hoạch thì gặp cảnh rớt giá trầm trọng, chỉ còn 4.000 đồng/kg.
Anh Nghĩa cho biết, anh trồng mít Thái được 4 năm, có lúc giá lên đến 50.000 đồng/kg. Trong thời gian địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch, dù giá xuống thấp nhưng vẫn ở mức 16.000 - 18.000 đồng/kg. Vườn mít đang trong giai đoạn thu hoạch, anh Nghĩa mừng thầm với hy vọng một cái Tết đầy đủ khi vườn mít trúng mùa, trúng giá. Thế nhưng, những ngày gần đây, tình hình đảo lộn khiến anh lo lắng.
“Bây giờ hàng hoá ùn ứ ở cửa khẩu khiến giá thu mua tại vườn chỉ còn 4.000 đồng/kg mà nhiều hôm thương lái còn không cắt. Với giá này thì năm nay lỗ chắc, mất luôn Tết quá”, anh Nghĩa chia sẻ.
Ngoài mít, giá một số loại trái cây ở ĐBSCL cũng giảm so với hồi đầu tháng như: xoài Cát Chu giá khoảng 18.000 đồng/kg (giảm 4.000 đồng), xoài cát Hòa Lộc khoảng 45.000 đồng/kg (giảm 15.000 đồng), xoài tượng da xanh khoảng 21.000 đồng/kg (giảm 4.000 đồng), nhãn khoảng 17.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng)…
Bên cạnh đó, giá thanh long ruột đỏ hiện được thu mua với giá 15.000 đồng - 16.000 đồng/kg. Với mức giá này người trồng vẫn có lãi hoặc hòa vốn nhưng nhiều nhà vườn và thương lái dự báo nếu tình hình ùn ứ tại các cửa khẩu vẫn tiếp diễn thì giá thanh long sẽ rớt thê thảm bởi thị trường tiêu thụ chính của loại trái cây này là ở Trung Quốc.
“Hiện giờ giá thanh long cũng còn tạm ổn nhưng với tình hình này tôi thấy sẽ nhanh hết ổn thôi”, một thương lái chuyên thu mua thanh long ở Long An nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây ở miền Tây nhận định, hiện nay nhiều loại trái cây của miền Tây đang bắt đầu vào vụ thu hoạch để phục vụ thị trường Tết cổ truyền ở Trung Quốc như thường lệ. Với việc Trung Quốc hạn chế thông quan như hiện nay, từ đây đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp và nhà vườn dự kiến tiếp tục đối diện nhiều khó khăn.
“Một số mặt hàng có sản lượng rất lớn như mít Thái, thanh long không thể tiêu thụ hết trong nước. Thị trường xuất khẩu chính là ở Trung Quốc, các thị trường khó tính khác thì đa phần sản phẩm chúng ta không đủ tiêu chuẩn để xuất sang”, vị lãnh đạo này nói.
"Sống khỏe" hơn nhờ chuyển sang thị trường khác
Chuyện nông sản, trái cây ùn ứ tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc lại một lần nữa đặt ra vấn đề phải tìm hướng đi mới cho xuất khẩu nông sản.
Anh Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, do ảnh hưởng của việc hàng hóa ùn ứ ngoài của khẩu phía Bắc, giá thu mua sầu riêng tại vườn giảm từ 60.000 - 70.000 đồng/kg xuống 50.000 đồng/kg.
Sau nhiều lần gặp cảnh bấp bênh khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, năm nay, Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp tập trung bán ở thị trường nội địa và xuất bán cho các đối tác ở Nhật, Hàn Quốc.
“Một container 17, 18 tấn sầu riêng, thêm các chi phí khác thì ra đến của khẩu Trung Quốc cũng trị giá cả tỉ đồng nên tôi thấy bấp bênh quá. Thị trường Nhật, Hàn Quốc tuy xuất đi không được nhiều nhưng đây là hướng phát triển ổn định, an toàn”, anh Lộc chia sẻ.
Ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An (Tiền Giang) cũng cho biết, hơn 100 thành viên của hợp tác xã từ 2015 đến nay luôn “sống khoẻ” nhờ xuất khẩu được thanh long sang thị trường Mỹ, Australia, Nhật và châu Âu.
Theo ông Phương, trước năm 2015, Hợp tác xã trồng thanh long để bán cho thị trường Trung Quốc nhưng nhận thấy những rủi ro, bấp bênh ở thị trường này nên hợp tác xã dần chuyển hướng.
“Năm 2013 - 2014, hợp tác xã vẫn còn bán cho thị trường Trung Quốc nhưng thị trường này không ổn định. Lúc thông thoáng thì bán được nhưng lúc kẹt biên như hiện này thì lỗ nhiều.
Bới vậy, cuối năm 2014, hợp tác xã xây dựng vùng trồng theo tiêu chuẩn toàn cầu Global Gap, bao tiêu sản phẩm cho nhà vườn. Từ 2015, bắt đầu xuất được thanh long sang Mỹ, Australia, Nhật và châu Âu. Thu nhập của thành viên hợp tác xã nhờ vậy luôn cao hơn so với bên ngoài từ 15 đến 20%”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, các thị trường mới luôn có giá cả ổn định, mỗi năm Hợp tác xã xuất được khoảng 2.000 tấn thanh long.
“Các nhà vườn được hợp tác xã ký bao tiêu sản phẩm với giá thu mua cao hơn giá thị trường 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Ví dụ giá thanh long ruột đỏ ở thị trường hiện là 16.000 đồng/kg thì giá thu mua của hợp tác xã với các thành viên phải là 18.000 -19.000 đồng/kg.
Ngoài ra, hợp tác xã còn ký bao tiêu giá sàn với thanh long ruột trắng là 10.000 đồng/kg, ruột đỏ là 15.000 đồng/kg. Ví dụ, khi thị trường thanh long có rớt xuống 1000 đồng hay 2000 đồng/kg thì chúng tôi vẫn thu mua thanh long của thành viên hợp tác xã với giá sàn để đảm bảo nhà vườn không lỗ”, ông Phương thông tin thêm.
THANH TIẾNNgày 25/12, theo thông tin tử Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe hàng xuất đi Trung Quốc còn tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày cùng ngày là 4.204 xe. So với 4.329 xe tồn tại thời điểm sáng 24/12, lượng tồn đã giảm 125 xe.
Nguyên nhân chính do thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng nên các doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu Hữu Nghị có diễn ra hoạt động thông quan hàng hóa, với năng lực rất khiêm tốn, chỉ khoảng trên 100 xe/ngày.
Cửa khẩu Chi Ma đã hoạt động trở lại, thông quan chưa đến 10 xe/ngày, chủ yếu là xe không từ phía Trung Quốc sang nhận hàng về.
Trong khi đó, cửa khẩu Tân Thanh vẫn đang dừng thông quan, còn ùn ứ 2.148 xe hàng.
Các loại hàng hóa tồn chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Định...