“Thật không thể tin được những gì đã xảy ra kể từ vụ nổ súng”, một nhân viên bán hàng địa phương chia sẻ với đài Sputnik.
Thị trấn Rostraver nằm không quá xa so với địa điểm tổ chức cuộc diễn thuyết của ông Trump. Tại các cửa hàng lưu niệm nằm trong thị trấn, khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn cho mình cờ, mũ, áo phông, móc chìa khóa, huy hiệu in hình của ứng viên tranh cử đảng Cộng hòa.
“Bạn phải là người ủng hộ Trump thì mới có thể xếp hàng dưới cái nóng 34 độ C trong nhiều giờ để mua một chiếc mũ”, người nhân viên mô tả lại cảnh tượng hàng dài người mua đồ in hình ông Trump sau vụ nổ súng một ngày.
Đối với sự kiện “nóng” như này các nhà sản xuất ở Trung Quốc không nằm ngoài cuộc chơi.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), chỉ sau 2 tiếng ông Trump thoát chết sau vụ nổ súng sượt qua tai phải, những lô áo đầu tiên in hình cựu tổng thống mặt còn dính máu giơ nắm đấm trong khi các mật vụ vây quanh bảo vệ ông đã xuất xưởng.
Li Jinwei, một người bán hàng 25 tuổi trên eBay, đã kịp đưa sản phẩm áo phông lên kệ trực tuyến ngay giờ ăn sáng ở Trung Quốc (khác biệt thời gian giữa Trung Quốc và Mỹ là 13 tiếng đồng hồ).
“Chúng tôi đăng hình ảnh áo phông lên Taobao ngay khi biết tin về vụ xả súng, mặc dù chúng tôi thậm chí còn chưa in. Trong vòng ba giờ, chúng tôi nhận được 2.000 đơn đặt hàng từ cả Trung Quốc và Mỹ”, Li cho biết.
Nhà máy của Li đặt tại tỉnh Hà Bắc và để tạo ra sản phẩm mới, cô chỉ cần tải hình ảnh xuống và in. Nhà máy mất trung bình một phút để hoàn thành một chiếc áo phông.
“Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chúng tôi chỉ làm quà lưu niệm về ông Trump. Ông ấy rất nổi tiếng với cư dân mạng Trung Quốc”, Li nói.
Theo Allen Yao, người đồng sáng lập của Xinflying Digital Printing Production, đặt nhà máy tại tỉnh Quảng Đông, nhu cầu về áo phông thiết kế theo chủ đề bầu cử Mỹ và vận động tranh cử khá lớn ở thị trường Mỹ.
Đầu năm nay, Yao đã mở một nhà máy hoàn toàn tự động ở California, với công suất sản xuất khoảng 3.000 chiếc áo phông mỗi ngày và tổng công suất dự kiến sẽ tăng lên 8.000 chiếc vào tháng tới. “Nhu cầu quá lớn và chúng tôi không thể sản xuất đủ”, ông Yao nói thêm.
Công ty có kế hoạch mở một nhà máy mới ở bờ biển phía Đông nước Mỹ vào năm tới, nâng công suất sản xuất hàng ngày lên 30.000 sản phẩm.
Dữ liệu từ DHgate, một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc tập trung vào thị trường Mỹ, cho thấy kể từ tháng 1, khối lượng giao dịch hàng hóa liên quan đến bầu cử đã tăng hơn 40% mỗi tháng, với tỷ lệ tăng trưởng hàng tháng trong tháng 3 vượt quá 110%.
Hãng truyền thông Yicai hồi tháng 5 đưa tin tổng giá trị giao dịch hàng hóa lưu niệm bầu cử Mỹ trong quý đầu tiên đã tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với các nhà sản xuất, việc sản xuất số lương lớn áo phông và hàng hóa lưu niệm không chỉ phụ thuộc vào triển vọng chiến thắng của ông Trump mà còn xuất phát từ lo ngại thuế tăng.
Nhà xuất khẩu hàng gia dụng Trung Quốc Sam Xiao cho biết công ty của ông ở Texas đã yêu cầu trụ sở chính tại Trung Quốc ngay lập tức đặt hàng và vận chuyển sản phẩm về kho của họ trước cuối năm nay.
“Nhiều nhà xuất khẩu đang thảo luận về nhu cầu vận chuyển hàng hóa trước cuộc bầu cử để đối phó với những thay đổi tiềm ẩn sắp tới, như khả năng tăng thuế và chi phí vận chuyển tăng vọt”, ông Sam giải thích.