Muốn tìm mua một lọ thực phẩm chức năng Omega 3 và vitamin tổng hợp, chúng tôi khảo sát qua các chợ trực tuyến thì vô cùng nhiều sản phẩm từ hàng nhập khẩu, xách tay tới sản xuất ở Việt Nam.
Ví dụ như một lọ vitamin tổng hợp của Úc có giá 400 nghìn đồng nhưng nếu bạn mua loại không có tem chỉ có giá 340 nghìn đồng.
Theo người bán hàng, sản phẩm có tem là của nhà nhập khẩu, không có tem là hàng xách tay. Ngoài ra, các sản phẩm khác cũng tương tự.
Nhiều sản phẩm có giá chỉ bằng 1/3 của nhà sản xuất công bố, theo người bán thì họ xả kho vì cuối năm nên nhập hàng mới.
Các sản phẩm thực phẩm chức năng luôn được nhiều người tiêu dùng tìm kiếm nên đây cũng là cơ hội béo bở cho các gian thương bán hàng.
Ví dụ lọ tinh dầu hoa anh thảo của Pháp có giá tiền triệu nhưng trên một hội nhóm người bán hàng rao bán với giá hơn 500 nghìn đồng.
Theo người bán hàng, sản phẩm authentic nhưng vì kho chật và sắp hết hạn sử dụng nên xả kho bán giá rẻ.
Mới đây, khi kiểm tra tại một địa điểm chuyên bán hàng trực tuyến, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện một lô hàng hơn 1000 sản phẩm là thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng chiều cao, an thần, bồi bổ sức khoẻ.
Lô hàng được chứa tại một kho ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Các sản phẩm đều là hàng không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác rõ ràng.
Theo người bán hàng, họ nhập từ các hội nhóm và thấy có lãi là bán mà không biết sản phẩm như thế nào. Người bán sẽ lãi từ 20 – 30 nghìn đồng/sản phẩm, bán trên gian hàng shoppe.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý Thị trường Thành phố Hà Nội, hình thức bán hàng trực tuyến có nhiều tác dụng, hiệu ứng tốt kích cầu thị trường nhưng đây cũng là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hàng giả, hàng kém chất lượng được tuồn vào và bán cho người tiêu dùng.
Ông Nghĩa cho biết, cơ quan chức năng không có trách nhiệm, đi vào nghiên cứu thì khó phát hiện vì đây là sản phẩm ảo. Các sản phẩm làm thật từ bao bì tới nhãn mác, địa chỉ của nhà sản xuất.
Ông Nghĩa cho rằng đôi khi mua trực tiếp người tiêu dùng còn khó nhìn bằng mắt thường huống chi mua hàng trực tuyến.
Người bán hàng thường lợi dụng các nhà sản xuất vừa, nhỏ để chọn nhãn hàng làm giả vì các nhà sản xuất này cũng chưa được bảo vệ nhiều.
Ông Nghĩa cho rằng khi mua sản phẩm trên chợ trực tuyến người tiêu dùng hết sức cẩn trọng nhất là sản phẩm liên quan tới thực phẩm và có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của mình.
Ngay kể cả người bán hàng cũng cần quan tâm nguồn gốc sản phẩm của mình vì nếu chăm chăm vào làm sao để kiếm lời thì dễ trở thành người vi phạm pháp luật vì mua bán hàng giả.
Tại Hội thảo phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam ngày 20/12, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, có khoảng 60% gian lận trên nền tảng thương mại điện tử.
Trận chiến hàng giả ở kênh này gặp rất nhiều khó khăn do sản phẩm không xuất hiện trên thị trường, mà chỉ len lỏi trong các hội nhóm nên việc phát hiện hàng giả là vấn đề khó.
Hậu quả, nhiều người dân tự mua thực phẩm chức năng sử dụng dẫn đến tình trạng suýt tử vong mà tưởng đang... thải độc.
Để giảm tình trạng này, cần có công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, người tiêu dùng phát hiện thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cần phản ánh ngay đến lực lượng Quản lý thị trường thông qua số đường dây nóng đăng tải tại địa chỉ dms.gov.vn để tiếp nhận và xử lý kịp thời.
Khánh Chi