Hàn Quốc: Vừa được tự do đi làm, nhân viên văn phòng lại bị quấy rối

05/07/2022 09:50

Khi số lượng nhân viên văn phòng đi làm gia tăng, vấn nạn quấy rối chốn công sở cũng xuất hiện tăng trở lại.

Khi các biện pháp hạn chế giãn cách xã hội được xóa bỏ đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc đi làm trở lại. Đây cũng là lúc vấn nạn quấy rối chốn công sở có chiều hướng gia tăng.

Yonhap đưa tin, theo cuộc điều tra được Embrain Public thực hiện trong giai đoạn từ ngày 10 – 16/6 trên 1.000 nhân viên văn phòng trong độ tuổi trên 19 và được công bố hôm 3/7, 29,6% cho biết họ đối mặt với một vài dạng quấy rối ở nơi làm việc trong vòng một năm qua.

Hàn Quốc: Vừa được tự do đi làm, nhân viên văn phòng lại bị quấy rối
Vấn nạn quấy rối chốn công sở tại Hàn Quốc lại gia tăng sau khi người dân đi làm trở lại. (Ảnh: Yonhap)

Cuộc điều tra tương tự vào tháng Ba năm nay cũng cho thấy, 23,5% người tham gia thừa nhận họ phải chịu đựng vấn nạn quấy rối chốn công sở như lạm dụng lời nói và thể chất hoặc bị bắt nạt.

Hiện tại, chính phủ Hàn Quốc cho gỡ bỏ phần lớn các quy định giãn cách xã hội nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Do đó, các công ty Hàn Quốc đã yêu cầu nhân viên trở lại làm việc ở công sở sau 2 năm phải làm việc ở nhà.

Cuộc điều tra của Embrain Public trong tháng Sáu cũng tiết lộ tính theo lĩnh vực công tác, 34,2% nhân viên trong ngành dịch vụ cho hay họ bị quấy rối ở nơi làm việc, so với mức 22,1% trong tháng Ba.

Cũng theo kết quả điều tra, nữ nhân viên là đối tượng dễ bị tổn thương hơn so với nam đồng nghiệp, và những nhân viên thời vụ cũng dễ bị lạm dụng hơn so với nhân viên chính thức.

Kết quả cho thấy 29,6% người tham gia điều tra thừa nhận họ bị quấy rối ở công sở. Ngoài ra, 39,5% nói tình trạng quấy rối ở nơi làm việc là “nghiêm trọng”. Chưa hết, 11,5% từng chịu cảnh bị quấy rối ở nơi làm việc cho hay họ đã nghĩ tới chuyện tự sát.

Quan trọng hơn 67,6% người bị quấy rối thừa nhận họ không có hành động phản kháng, trong khi 25,3% đưa ra khiếu nại và 23,5% nói họ bỏ việc.

Những người tham gia khảo sát dù bị quấy rối nhưng không có hành động đáp trả, bởi họ nghĩ tình hình sẽ không được cải thiện và còn bị trả thù.

"Gapjil" tức hành vi ngược đãi của những người ở vị trí quyền lực cao hơn đối với những người cấp dưới lâu nay là vấn đề nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc, nhưng lại bị bỏ qua trong lĩnh vực pháp lý.

Do đó, vào tháng 9/2019, Hàn Quốc đã ban hành một bộ luật mới hay còn được gọi là luật chống bắt nạt ở nơi làm việc để ngăn tình trạng lạm dụng xảy ra ở chốn công sở.

Theo luật, nếu nhận được báo cáo xảy ra quấy rối nơi làm việc, người sử dụng lao động cần phải điều tra ngay lập tức và có hành động như ngăn nạn nhân làm việc với thủ phạm ở cùng một nơi.

Và nếu các biện pháp trả đũa hoặc phân biệt đối xử xảy ra với người bị lạm dụng hoặc người báo cáo hành vi ngược đãi, người sử dụng lao động có thể phải đối mặt với án tù tối đa 3 năm và phạt tiền lên tới 30 triệu won.

Tuy nhiên, bộ luật này lại chưa đưa ra mức quy định hình phạt đối với thủ phạm quấy rối người khác.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc: Vừa được tự do đi làm, nhân viên văn phòng lại bị quấy rối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO