Bứt phá ngoạn mục
Korea JoongAng Daily dẫn báo cáo do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố cho thấy, doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc năm 2022 đã tăng lên hơn 17 tỷ USD, so với 7,25 tỷ USD của năm trước đó, mức tăng đột biến khoảng 240% trong một năm đã đưa quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tám thế giới.
Seoul và Warsaw cũng nhất trí thành lập liên doanh gồm các doanh nghiệp quốc phòng của cả hai nước để từ đó, vũ khí của Hàn Quốc sẽ được cấp phép sản xuất tại Ba Lan, mở ra cửa ngõ đưa vũ khí Hàn Quốc vào châu Âu. Dự kiến, 500/820 xe tăng và 300/672 khẩu pháo tự hành trong thỏa thuận sẽ được sản xuất tại các nhà máy ở Ba Lan, bắt đầu từ năm 2026.
Từ lợi thế tốc độ...
Một lý do thúc đẩy Warsaw lựa chọn Seoul trở thành đối tác nhập khẩu vũ khí là ưu thế về tốc độ sản xuất. Lô hàng đầu tiên gồm 10 xe tăng chủ lực K2 Black Panther và 24 khẩu pháo tự hành K9 Thunder đã được giao tới Ba Lan chỉ vài tháng sau khi thỏa thuận được ký kết. Sau đó không lâu, thêm 5 xe tăng và 12 khẩu pháo tiếp tục được bàn giao. Để so sánh, đơn hàng 44 xe tăng Leopard mà Hungary đặt hàng Đức từ năm 2018, đến nay, chưa có bất kỳ sản phẩm nào trong đơn hàng trên được bàn giao cho Budapest. Tốc độ sản xuất chậm chạp của ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Đức khiến nhiều đối tác quay sang Hàn Quốc như một lựa chọn đầy hứa hẹn.
Máy bay chiến đấu tàng hình đa năng KF-21 Boramae của Hàn Quốc. Ảnh: mods.com |
... đến ưu thế tương thích
Ưu thế lớn của vũ khí Hàn Quốc là khả năng tương thích với hệ thống trang bị vũ khí của Mỹ và NATO. Điều đó có nghĩa là, khi mua vũ khí của Seoul, các nước EU-vốn có truyền thống dựa vào nguồn cung cấp vũ khí từ Mỹ-cơ bản sẽ không cần điều chỉnh hoặc thay đổi nền tảng hệ thống trang bị vũ khí hiện có. Nhờ đó, Hàn Quốc đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho NATO và các nước thành viên, chiếm 4,9% thị phần, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Dẫu vậy, con số này còn thua xa vị trí thứ nhất của Mỹ (65%) và thứ hai của Pháp (8,6%).
Khả năng tương thích của các sản phẩm CNQP Hàn Quốc với các hệ thống vũ khí của Mỹ không chỉ là sự lựa chọn có chủ ý mà còn là hệ quả của việc chuyển giao công nghệ xây dựng tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này từ đồng minh Mỹ.
Và điểm cộng của K-Defense
Hiệu quả về chi phí, thời gian giao hàng ngắn, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ, đó là một số điểm cộng khiến vũ khí Hàn Quốc càng trở nên hấp dẫn. Theo nhà nghiên cứu Bang Jong-goan: “Các sản phẩm CNQP của Hàn Quốc có hiệu quả tác chiến tương đương với các sản phẩm của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, song giá thành lại thấp hơn”.
Lấy ví dụ, trong các cuộc thử nghiệm dưới tiết trời lạnh giá của quân đội Na Uy, một chiếc K2 Black Panther của Hàn Quốc giá 8,5 triệu USD có hiệu quả hoạt động tác chiến tương đương một chiếc xe tăng Leopard 2A7 của Đức giá 15,3 triệu USD.
Quốc gia Đông Bắc Á này cũng là nơi thử nghiệm hoàn hảo cho các loại trang bị vũ khí. Địa hình cả bằng phẳng lẫn sườn dốc, nhiệt độ các mùa dao động lớn giữa các vùng, từ mùa đông băng tuyết đến mùa hè nắng nóng khiến sản xuất vũ khí Hàn Quốc rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong mọi điều kiện địa hình và khí hậu.
Pháo tự hành K9 Thunder do Hàn Quốc sản xuất. Ảnh: European Defence Review Magazine |
Nhạy bén thị trường
Nếu sản xuất ô tô là liên tục và được điều chỉnh theo nhu cầu của người tiêu dùng thì sản xuất trang bị, vũ khí quân sự như xe tăng, máy bay chiến đấu, pháo tự hành... chỉ thực hiện khi có đơn hàng. Trớ trêu thay, trong lúc giới lãnh đạo EU còn đang mải bất đồng với các doanh nghiệp trong nước về việc liệu ngành CNQP nên đi trước hay chờ có đơn hàng rồi mới đẩy mạnh sản xuất, thì các tập đoàn CNQP Hàn Quốc đã tích cực sản xuất để vừa đáp ứng yêu cầu phòng thủ của chính Seoul, vừa mở rộng nguồn cung ra thị trường thế giới.
Nắm được tâm lý “xót của” của đối tác khi phải chi những món tiền khổng lồ mua sắm vũ khí, Seoul đã khôn khéo đề xuất hợp tác với các khách hàng để thiết lập cơ sở sản xuất và chuyển giao công nghệ ở nước sở tại, giúp họ giảm bớt phụ thuộc vào năng lực sản xuất của Seoul, giảm tải cho Hàn Quốc, mặt khác, giúp các quốc gia đối tác của Seoul củng cố năng lực sản xuất CNQP của chính họ. Những thỏa thuận chia sẻ công nghệ, hợp tác quốc phòng đã ký kết với Ấn Độ, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là, tới đây, năng lực sản xuất vũ khí của Hàn Quốc sẽ gia tăng đáng kể.
Chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới dự báo sẽ tăng lên trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu hiện nay. Trên cơ sở đó, Hàn Quốc đặt mục tiêu chiếm 5% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu vào năm 2027 và trở thành nhà xuất khẩu quốc phòng lớn thứ tư thế giới.
Tất nhiên, Hàn Quốc không phải là “tay chơi” duy nhất đang “phất lên” trên thị trường vũ khí toàn cầu. Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia khác cũng đang dồn sức tập trung phát triển ngành CNQP nhằm đối phó với môi trường an ninh toàn cầu đang thay đổi. Để đủ sức theo đuổi cuộc chơi, Seoul sẽ cần tái cơ cấu phân bổ ngân sách từ phát triển hệ thống sang nghiên cứu công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời giảm phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn.
HÀ PHƯƠNG