Hàn Quốc sẽ gia nhập "Bộ tứ kim cương"?

Thanh Thành| 28/04/2022 22:00

Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn trong ngành xuất khẩu vũ khí, và trong chính sách an ninh khu vực do Mỹ lãnh đạo.

Hàn Quốc sẽ gia nhập Bộ tứ kim cương? - 1

Lực lượng đặc biệt của Hải quân Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập quân sự (Ảnh: AFP).

Mặc dù là đầu tàu kinh tế toàn cầu và là nhà xuất khẩu thiết bị quân sự hàng đầu, Hàn Quốc lâu nay vẫn chưa đóng vai trò nổi bật trong việc định hình bối cảnh địa chính trị ở khu vực lân cận châu Á.

Trọng tâm chính sách đối ngoại chính của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in là vấn đề Triều Tiên nhưng lại không mang lại hiệu quả.

Nhưng xung đột đang diễn ra ở Ukraine, và cuộc bầu cử tổng thống mới đây, vốn đưa lãnh đạo phe bảo thủ Yoon Suk-yeol sắp lên nắm quyền, có thể giúp Hàn Quốc xốc lại chiến lược quân sự trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Mặt khác, cam kết của Ấn Độ trong việc duy trì mối quan hệ bền chặt với Nga đã thúc đẩy nhóm đối thoại Bộ tứ kim cương (QUAD - gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) vào một chiếc ô an ninh, với mục tiêu là đối phó Trung Quốc.

Những căng thẳng về cấu trúc an ninh trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng New Delhi có thể rời khỏi nhóm QUAD và Hàn Quốc sẽ thế chân.

Là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á với một tổ hợp công nghiệp-quân sự đang phát triển, Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu nhằm duy trì một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực. Trong những năm tới, Hàn Quốc có thể sẽ tìm kiếm một vai trò nổi bật hơn trong các nhóm chiến lược như "QUAD mở rộng" và "G7 mở rộng" mới nổi.

Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố sẵn sàng "xem xét tích cực việc gia nhập" Nhóm Quad mở rộng, giống cách Hàn Quốc trở thành khách mời thường xuyên trong các cuộc họp G7 mở rộng.

Chắc chắn, Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai của châu Á - có thể sẽ vẫn là một trọng tâm chiến lược lớn của phương Tây trong tương lai gần. Trong cuộc Đối thoại Bộ trưởng Mỹ-Ấn 2 + 2 lần thứ tư vào đầu tháng này, hai bên đã cam kết theo đuổi hợp tác chiến lược toàn diện, xua tan những đồn đoán về sự rạn nứt hoàn toàn giữa hai nước.

Ấn Độ cũng đã tổ chức đối thoại cấp cao với các cường quốc phương Tây khác, bao gồm Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson gần đây đã gặp gỡ người đồng cấp Ấn Độ. Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) Ursula Von der Leyen gần đây đã đến thăm New Delhi.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Ấn Độ với phương Tây khó có thể giải quyết một sớm một chiều.

"Ngôi sao" mới

Các diễn biến về mặt ngoại giao giữa Ấn Độ và Mỹ đã khiến Hàn Quốc chú ý, động thái cho thấy họ sẵn sàng trở thành một bên đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề khu vực.

"Đây là một thời điểm của sự thay đổi trong sân khấu địa chính trị quốc tế. Nó đòi hỏi sự rõ ràng và táo bạo cũng như cam kết tuân thủ các nguyên tắc", Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol tuyên bố.

Mô tả đất nước của mình là một "quốc gia trọng điểm toàn cầu", nhà lãnh đạo sắp lên nắm quyền của Hàn Quốc đã cam kết sẽ giúp các cường quốc cùng chí hướng, đặc biệt là Mỹ, cùng thúc đẩy "tự do, hòa bình và thịnh vượng thông qua các giá trị dân chủ tự do và hợp tác thực chất".

Nhà lãnh đạo tương lai của Hàn Quốc cũng thể hiện sự hứng thú với vũ khí tiên tiến của Mỹ, bao gồm cả hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), để nâng cao khả năng răn đe của đất nước.

Hàn Quốc không chỉ sở hữu các căn cứ và hệ thống vũ khí lớn của Mỹ mà còn có lực lượng vũ trang khổng lồ với ngân sách 46 tỷ USD và nền công nghiệp xuất khẩu quốc phòng tầm cỡ thế giới. Xuất khẩu quốc phòng của nước này đạt mức cao kỷ lục 7 tỷ USD vào năm ngoái, và dự kiến sẽ tăng lên 10 tỷ USD trong năm nay.

Các "ông lớn" công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc như LIG Nex1, Hanwha và Korea Aerospace Industries đã có được những hợp đồng lớn với một mạng lưới khách hàng rộng khắp từ châu Âu, Trung Đông đến Australia.

Lợi thế công nghệ cao với giá cả cạnh tranh và điều khoản thanh toán thuận lợi, Hàn Quốc đã nhanh chóng nổi lên như một đối tác quốc phòng và chiến lược được yêu thích của các quốc gia Đông Nam Á.

Nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn thứ 7 châu Á

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Hàn Quốc là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn thứ 7 trong khu vực. Đặc biệt, Hàn Quốc đã "cung cấp 2 tàu ngầm, 5 AALS và 16 máy bay huấn luyện/chiến đấu cho Indonesia, 12 máy bay chiến đấu cho Philippines, 1 khinh hạm và 4 máy bay huấn luyện/chiến đấu cho Thái Lan".

Sau những bước khởi đầu gặp khó khăn, ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc đã đạt được thành công vào đầu những năm 2010, khi nước này hoàn tất thương vụ mua máy bay chiến đấu FA-50 trị giá 400 triệu USD (biến thể của chiếc T-50) với Philippines.

Ngay sau đó, họ còn xuất khẩu các loại vũ khí chiến thuật khác.

Công ty Đóng tàu Daewoo và Cơ khí Hàng hải của Hàn Quốc bán 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Chang Bogo cho Indonesia và Hyundai Heavy Industries bán 2 khinh hạm lớp Jose Rizal cho Philippines. Ngoài Philippines, Hàn Quốc cũng đã bán thành công máy bay huấn luyện phản lực T-50 cho Indonesia và Thái Lan.

Sản phẩm nổi bật của nền công nghiệp quốc phòng đang phát triển mạnh mẽ của Hàn Quốc là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 rất được ca ngợi KF-2, một sản phẩm liên doanh với Indonesia, quốc gia vốn nắm giữ 20% cổ phần trong dự án 5,2 tỷ USD. Có tới 65% công nghệ và thiết bị quan trọng của KF-21 là "cây nhà lá vườn", giúp củng cố vị thế của Hàn Quốc trong danh sách độc quyền gồm các quốc gia có khả năng sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại.

Một mặt hàng xuất khẩu rất thành công khác của Hàn Quốc là pháo tự hành Hanwha's K9. Lựu pháo bọc thép 155mm này đã được bán cho nhiều quốc gia NATO bao gồm Estonia, Phần Lan, Na Uy, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Australia.

Theo nhiều cách, Hàn Quốc đang thu được lợi rất nhiều từ các khoản đầu tư dài hạn vào khoa học và công nghệ. Theo báo cáo, Seoul đã chi nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển (tính theo tỷ lệ phần trăm trong GDP) so với hầu hết các nước phương Tây. Ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ và hợp tác công nghệ cao với các đối tác phương Tây.

Theo các chuyên gia, dưới thời tổng thống đắc cử Yoon, Hàn Quốc có thể sẽ tận dụng nền công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và các lực lượng vũ trang hiện đại để đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực cùng với Mỹ và các đồng minh quan trọng khác.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc sẽ gia nhập "Bộ tứ kim cương"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO