Trung tâm Hợp tác phòng thủ không gian mạng ưu việt (CCDCOE) của NATO là nơi đào tạo các chuyên gia từ các quốc gia thành viên nhằm cùng nhau đối phó với các cuộc tấn công mạng. Hàn Quốc là thành viên thứ 5 không thuộc NATO đăng ký tham gia trung tâm này.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho biết họ đã nỗ lực gia nhập CCDCOE từ năm 2019 để tìm hiểu thêm về các chiến lược ứng phó với mối đe dọa, cũng như các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, nhằm mục tiêu lớn hơn là có năng lực mang tầm quốc tế để ứng phó với những mối nguy hiểm đó.
Mặc dù CCDCOE tách biệt với cơ cấu chỉ huy của NATO, nhưng các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng việc một nước láng giềng thân cận và đồng minh Mỹ gia nhập trung tâm này vẫn khiến Bắc Kinh lo ngại. Họ coi đó là sự mở rộng của liên minh quốc phòng do Mỹ dẫn đầu ở Đông Bắc Á và điều này có thể đe dọa đến lợi ích an ninh của Trung Quốc trong khu vực.
Theo nhà phân tích quân sự Ni Lexiong, Trung Quốc cáo buộc NATO đang bành trướng thế lực, và việc Hàn Quốc gia nhập trung tâm của NATO "chắc chắn không có lợi cho Trung Quốc". Tuy nhiên, Seoul sẽ phải cân nhắc đến lợi ích của Bắc Kinh và tình hữu nghị với Trung Quốc, ông nói.
An ninh mạng đang trở thành "chiến trường mới"
Ông Ni cho biết thêm, Hàn Quốc là một quốc gia nhỏ bé nằm giữa những gã khổng lồ quân sự với các mâu thuẫn về lợi ích và nước này sẽ không làm tổn hại những mối quan hệ đó, cũng như đặt an ninh quốc gia vào tình thế nguy hiểm. Tuy vậy, các mối đe dọa từ Triều Tiên buộc Hàn Quốc phải tăng cường khả năng phòng thủ.
"Hàn Quốc cần Trung Quốc tác động và gây áp lực lên Triều Tiên để kiềm chế các hành động của Bình Nhưỡng", ông Ni nhận định.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hứa sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng. Ông được cho là sẽ từ bỏ Chính sách Ánh dương của người tiền nhiệm để theo đuổi mối quan hệ cứng rắn hơn với Triều Tiên.
Còn theo ông Yue Gang, một đại tá về hưu kiêm nhà bình luận quân sự, Trung Quốc hiểu rằng việc Hàn Quốc gia nhập trung tâm an ninh mạng của NATO không đồng nghĩa với việc nước này gia nhập khối, nhưng Bắc Kinh "chắc chắn không hài lòng".
"Hàn Quốc không chính thức gia nhập NATO mà chỉ tham gia vào quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh mạng", ông Yue nói. "Điều đó không gây ảnh hưởng gì nhiều, nhưng Trung Quốc chắc chắn không hài lòng vì an ninh mạng đang trở thành một chiến trường mới".
Nhà nghiên cứu Lee Young-hak tại Viện Phân tích Quân sự Hàn Quốc chia sẻ, Seoul sẽ làm bất cứ điều gì có lợi cho quốc phòng và an ninh quốc gia, nhưng rất thận trọng trong hợp tác quân sự liên quan đến những gì Trung Quốc coi là "lợi ích cốt lõi".
Những lợi ích này bao gồm yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng lãnh thổ, trong đó có Đài Loan, an ninh của hệ thống chính trị được thành lập dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và sự ổn định ở các khu vực lân cận như bán đảo Triều Tiên.
"Mục tiêu chính của Hàn Quốc về an ninh và quốc phòng là giảm bớt các mối đe dọa từ tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. Để làm được điều đó, nước này không chỉ cần liên minh với Mỹ mà còn cần hợp tác với Trung Quốc. Vì vậy, trên cơ sở liên minh Hàn - Mỹ, Hàn Quốc đang cố gắng tìm kiếm một mối quan hệ hài hòa với Trung Quốc", ông Lee nhận định.
Chuyên gia Ni Lexiong đồng tình với quan điểm này, nói thêm rằng Hàn Quốc cần phải đạt được sự cân bằng trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
"Hàn Quốc phải dựa vào Mỹ nhưng không thể quá thân cận vì láng giềng của họ là gã khổng lồ Trung Quốc", ông Ni nói.