Hàn Quốc đưa máy bay chiến đấu tàng hình KF-21 tiếp cận thị trường châu Âu

13/06/2023 17:25

Máy bay chiến đấu tàng hình KF-21 Boramae của Hàn Quốc đang tiến gần hơn tới thị trường châu Âu dù vẫn đang trong quá trình thử nghiệm bay và bắn thử hệ thống vũ khí.

KF-21 là dự án hợp tác giữa Hàn Quốc và Indonesia, trong đó Hàn Quốc nắm giữ 80% và Jarkata giữ 20% cổ phần. KF-21 được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 do nó có khung của thế hệ thứ tư nhưng được trang bị công nghệ tàng hình hiện đại tương đương các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm như F-35 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc.

Bắt đầu được thực hiện vào năm 2001, những khoản đầu tư khủng của Hàn Quốc (7,8 tỷ USD) vào phát triển chiến đấu cơ nội địa KF-21 đang đem lại kết quả tốt đẹp. KF-21 được đánh giá sẽ là trụ cột của Không quân Hàn Quốc và sẽ làm thay đổi căn bản tương lai ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia Đông Bắc Á này khi được sản xuất hàng loạt và được bán ra trên thị trường.

Hệ thống vũ khí tiên tiến

Thông số kỹ thuật mới nhất của nhà thầu quốc phòng Hàn Quốc Korea Aerospace Industries cho biết, tiêm kích KF-21 có thể mang tên lửa không đối không tầm trung Iris-T (AIM-2000), gắn dưới cánh. Trong ban bay bắn thử, ngay sau khi cất cánh và đạt độ cao cần thiết, phi công KF-21 khai hỏa và tên lửa Iris-T đã đánh trúng mục tiêu định trước. Thử nghiệm thành công báo hiệu một khởi đầu thuận lợi cho hành trình chinh phục thị trường châu Âu của KF-21.

Không phải ngẫu nhiên mà K-21 chọn trang bị tên lửa Iris-T. Ảnh: Europäische Sicherheit & Technik

Dẫn đường bằng tia hồng ngoại, Iris-T có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi bắn hiệu quả tối đa 25km. Tên lửa có độ linh hoạt và khả năng cơ động cao, cho phép nó đuổi theo và tấn công các mục tiêu di chuyển nhanh như chiến đấu cơ phản lực và trực thăng. Đầu dò hồng ngoại giúp tên lửa Iris-T có thể phát hiện và theo dõi tín hiệu nhiệt của mục tiêu, tăng hiệu quả khi tấn công các mục tiêu khó phát hiện bằng radar như máy bay bay tầm thấp hoặc những mục tiêu có tiết diện radar nhỏ. Ngòi nổ cận đích cho phép tên lửa Iris-T kích nổ gần mục tiêu, tăng khả năng tấn công trúng đích. Ngoài ra, Iris-T còn có khả năng thay đổi đột ngột đường bay khiến mục tiêu khó trốn khỏi tầm truy đuổi của nó. Với tốc độc Mach 3 (gấp 3 lần vận tốc âm thanh), kích thước nhỏ gọn (dài 2936mm, đường kính 127mm), Iris-T có khả năng đánh chặn tầm gần và tỷ lệ thành công cao trong không chiến.

Không phải ngẫu nhiên mà K-21 chọn trang bị tên lửa Iris-T. Từ góc nhìn kỹ thuật thuần túy, các chuyên gia cho rằng Iris-T là tên lửa không đối không có hiệu suất thực chiến cao đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng là tên lửa này được Saab và một số nước châu Âu hợp tác phát triển, chứng minh tính tương thích cao của KF-21 với hệ thống vũ khí châu Âu.

Công nghệ hiện đại

KF-21 sử dụng hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) EL/M-2032, được sản xuất bởi công ty điện tử quốc phòng Elta Systems của Israel, nổi tiếng với phạm vi quét và phát hiện mục tiêu rộng, độ phân giải cao và khả năng theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu.

Ngoài radar EL/M-2032, KF-21 còn được trang bị hệ thống quang điện khẩu độ phân tán (DAS) sử dụng nhiều cảm biến lắp đặt quanh máy bay cho phép phi công quan sát và bao quát phạm vi 360 độ, có cái nhìn toàn cảnh về không phận xung quanh, ngay cả khi máy bay không bay theo hướng thẳng về phía mục tiêu.

KF-21 được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 do nó có khung của thế hệ thứ tư nhưng được trang bị hệ thống tàng hình tránh sự phát hiện của radar hiện đại tương đương chiến đấu cơ thế hệ thứ năm như F-35 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc. Ảnh: Bulgarian Military

Sự kết hợp giữa radar mảng pha AESA và hệ thống quang điện DAS trên KF-21 đem lại cho phi công thông tin dày dặn về tình huống trên không, giúp phát hiện và theo dõi máy bay đối phương cũng như các mối đe dọa dễ dàng hơn. Đây là một khả năng quan trọng đối với một máy bay chiến đấu hiện đại, do ưu thế trên không thường là yếu tố then chốt, quyết định một phần thắng lợi trong tác chiến.

Về công nghệ tàng hình, KF-21 sử dụng kết hợp các giải pháp như vật liệu hấp thụ tín hiệu radar, tối ưu hóa hình dạng để giảm phản xạ tín hiệu và giảm phát xạ hồng ngoại. Thiết kế của máy bay cũng kết hợp một số tính năng để giảm tiết diện radar như sử dụng các bề mặt góc cạnh hay các cạnh răng cưa. KF-21 cũng giảm số lượng cảm biến và vũ khí lắp đặt bên ngoài để giảm thiểu tín hiệu phát ra, ít nguy cơ bị phát hiện.

Hệ thống điện tử hàng không trang bị cho KF-21 gồm các hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số, hệ thống máy tính phục vụ tác vụ tác chiến và radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) hiện đại nhất. Ngoài ra, KF-21 còn có hệ thống hiển thị thông số trên mũ bảo hiểm (HMD), hệ thống liên kết dữ liệu và bộ hỗ trợ phòng thủ (DAS) bao gồm máy thu cảnh báo radar (RWR) và thiết bị bắn mồi bẫy (pháo sáng và pháo khói), giúp bảo vệ máy bay khỏi sự truy đuổi của tên lửa đất đối không.

Ba Lan có thể là nước đầu tiên nhập khẩu máy bay chiến đấu KF-21

Ba Lan có thể trở thành quốc gia đầu tiên mua KF-21. Trên thực tế, Ba Lan không chỉ muốn mua mà còn muốn có cơ hội trở thành cơ sở sản xuất KF-21 ở châu Âu. Ý định này đã được ông Sebastian Hwawek, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ba Lan PGZ, đưa ra từ cuối năm ngoái khi nhắc đến KF-21.

Ba Lan có thể trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên mua máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 KF-21. Ảnh: Bulgarian Military

Việc bắn thử thành công tên lửa Iris-T từ KF-21 không chỉ là tăng thêm danh mục vũ khí tương thích với tiêm kích tàng hình này của Hàn Quốc mà còn giúp KF-21 dễ thâm nhập thị trường châu Âu hơn do Iris-T hiện đang được sử dụng trong quân đội hầu hết các quốc gia châu Âu. Các nước như Áo, Thụy Điển, Hungary, Latvia hiện chưa có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trong biên chế nhưng đều trang bị tên lửa Iris-T.

Khi chi phí vận hành và bảo dưỡng chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ ngày càng cao và máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của châu Âu lại chậm ra mắt và có thể tụt hậu, KF-21 có thể trở thành một siêu phương án thay thế cho các quốc gia châu Âu. Và như vậy, việc sản xuất KF-21 tại Ba Lan sẽ giảm đáng kể chi phí giao hàng và bảo trì trong tương lai.

Trong một năm qua, Ba Lan và Hàn Quốc đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ hợp tác quốc phòng, đặc biệt là sau khi Warszawa mua sắm nhiều thiết bị, khí tài quân sự từ Hàn Quốc, trong đó có xe tăng K2, pháo tự hành K9, bệ phóng tên lửa đa năng K239 và máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50. Có thể thấy Ba Lan đang là khách hàng rất tiềm năng của KF-21 và việc quốc gia châu Âu này trở thành một cơ sở sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 của Hàn Quốc là điều hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc đưa máy bay chiến đấu tàng hình KF-21 tiếp cận thị trường châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO