Hòa nước ngọt với nước máy nhiễm mặn để dùng tiết kiệm
Cách biển hơn 20km, nhưng nhiều ngày nay bà Châu (trú tại xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú) đang phải khốn đốn vì hạn mặn. Gia đình bà Châu và gia đình em gái phải chung nhau mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3, rồi hòa với nước máy nhiễm mặn để dùng cho đỡ tốn.
"Nước do nhà máy cung cấp cũng mặn như nước sông, không thể nấu ăn, tắm rửa. Hôm nào lặng gió thì đỡ mặn, hôm nào gió nhiều thì mặn nhiều.
Xung quanh đây ai cũng phải chịu cảnh như thế cả, trước Tết cũng mặn rồi, nhưng giờ mặn đắng. Để tiết kiệm, tôi tắm giặt bằng nước máy, rồi xả lại bằng nước ngọt", bà Châu nói.
Xe bán nước giao hàng tại nhà em gái vì bên đó dùng nhiều hơn. Cứ chiều chiều, bà Châu lại phải đẩy xe đạp hơn 500m sang nhà em gái để thồ nước ngọt về.
Cách nhà bà Châu hơn 1km về hướng nội địa, quán rửa xe của chị Quỳnh đang phải chịu cảnh đìu hiu. Ngày thường, chị Quỳnh dùng nước máy giá hơn 8.000 đồng/m3 để rửa xe cho khách, lấy giá 25.000 đồng/xe.
Nay nước máy nhiễm mặn, chị Quỳnh phải mua nước ngọt giá cao, vì thế mỗi lượt rửa xe đã tăng giá thêm 5.000 đồng. Giá tăng, nên vắng khách, nhưng chị Quỳnh còn may vì những quán rửa xe trong vùng mà không có bể chứa nước ngọt đều đã phải tạm nghỉ.
"Mình nói với người ta là rửa nước ngọt nên giá cao, ai chịu thì rửa. Nước đắt, nên rửa cũng phải tiết kiệm. Mua 100.000 đồng/m3, nhưng chỉ là nước giếng thôi, không ăn uống được", chị Quỳnh nói.
Không xa quán rửa xe của chị Quỳnh là quán gội đầu của chị Loan. Chị Loan than rằng nước máy nhiễm mặn thì những người làm nghề như chị là ảnh hưởng nhất.
"Tôi mua nước ngọt, xe người ta chở đến. Cũng không biết nước đó lấy từ đâu nhưng thấy ai cũng dùng. Với giờ không mua, thì không có nước gội đầu cho khách, gội nước máy nhiễm mặn thì không lên bọt.
Dù vậy, để tiết kiệm, nước đầu tôi vẫn dùng nước máy, chấp nhận thêm dầu. Chỉ có nước cuối là xả bằng nước ngọt thôi", chị Loan nói.
Mỗi lượt gội đầu chỉ có giá 30.000 đồng, nên mọi chi phí tăng thêm chị Loan đều phải căn ke. Với mỗi khách, chị Loan đong sẵn can 10 lít nước ngọt để phục vụ cho có chừng, tránh lãng phí.
Xâm nhập mặn đã lan rộng
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre nhận định, mùa khô năm 2023-2024 mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình 10 năm gần nhất. Mặn bắt đầu xâm nhập từ tháng 11/2023, kéo dài đến tháng 5/2024.
Theo bản đồ xâm nhập mặn mà đơn vị này cung cấp, gần như toàn bộ sông ngòi ở Bến Tre đều đã bị mặn xâm nhập ở các mức độ khác nhau. Có nơi độ mặn trên 3‰ đã vào sâu nội địa hơn 40km dọc theo sông chính.
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tính đến kỳ báo cáo giữa tháng 2, độ mặn trên sông thuộc các huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú cao nhất ở mức 3,1‰; còn độ mặn trên sông tại các huyện nội địa gồm Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Châu Thành cao nhất ở mức 3‰.
Tỉnh Bến Tre có gần 1.700 cống ngăn mặn, vận hành đóng mở theo độ mặn thực tế trên sông. Do độ mặn tăng cao, các cống ở cuối nguồn đã đóng từ đầu năm đến nay.
Cũng theo UBND tỉnh Bến Tre, hiện tỉnh này có 60 nhà máy nước do Sở Xây dựng và Sở NN&PTNT quản lý. Đến hiện tại, các nhà máy nước phục vụ TP Bến Tre và các nhà máy có nguồn nước thô được kiểm soát bởi cống, đập chưa bị xâm nhập mặn ảnh hưởng. Các nhà máy còn lại cấp nước có độ mặn tương đương độ mặn trên sông.
Một số nhà máy nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn như Nhà máy nước An Hóa (độ mặn nước thô cao nhất đạt 5,2‰), Nhà máy nước KCN Giao Long (độ mặn nước cao nhất đạt 3‰), Nhà máy nước An Phước (độ mặn nước thô cao nhất đạt 2‰). Những nhà máy này đều nằm sâu trong nội địa trên 30km.
Theo quy chuẩn kỹ thuật của Bến Tre, độ mặn nước máy tại vòi không được vượt quá 0,5‰. Trước tình hình trên, các đơn vị cấp nước đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó như tận dụng bơm nước thô những khi độ mặn trên sông giảm, vận hành hệ thống lọc RO. Các nhà máy chưa bị ảnh hưởng mặn cũng đã tăng công suất để "chia lửa".
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: "Người dân và chính quyền tỉnh Bến Tre có kinh nghiệm ứng phó hạn mặn. Người dân đã chủ động bằng nhiều biện pháp để tích trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới cây. Các ngành chức năng cũng luôn theo dõi sát tình hình để có phương án hợp lý.
Ở các đơn vị cấp nước, các biện pháp như vận chuyển nước thô bằng sà lan đã được tính đến. Cùng với các hồ trữ ngọt hiện hữu, tới đây Bến Tre sẽ xây dựng thêm nhiều cống, đập. Sau khi hệ thống cống, đập hoàn thành, sông Ba Lai sẽ là túi nước khổng lồ, đảm bảo cho người dân Bến Tre không còn lo lắng xâm nhập mặn".