Hai vũ khí giúp Australia nâng cao năng lực tên lửa

10/01/2023 15:34

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và tên lửa tấn công hải quân (NSM) là những bản hợp đồng mới nhất của Australia với mục tiêu tăng cường năng lực tên lửa của quân đội nước này.

Chính phủ Australia vừa công bố đã hoàn tất thỏa thuận mua 20 tổ hợp HIMARS của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) biên chế vào lực lượng lục quân và ký một văn bản khác để mua tên lửa NSM do nhà thầu quốc phòng Kongsberg (Na Uy) sản xuất cho lực lượng hải quân. Chi phí chính xác của các hợp đồng trên được giữ bí mật vì lý do an ninh, nhưng tổng giá trị có thể hơn 1 tỷ AUD.

HIMARS là phiên bản bánh lốp của dòng M270 MLRS dùng bánh xích, được phát triển từ thập niên 1990 và hiện do Lockheed Martin sản xuất. Toàn bộ thành phần của HIMARS gồm hệ thống phóng và xe tải có thể được chuyên chở bằng máy bay vận tải C-130 Hercules.

Một hệ thống HIMARS của lục quân Mỹ. Ảnh: army.mil

Hệ thống HIMARS có thể phóng được nhiều loại pháo phản lực, tên lửa dẫn đường và không dẫn đường, thậm chí là tên lửa phòng không, với tầm bắn từ 80km trở lên. Nhà sản xuất cho biết, HIMARS là hệ thống có khả năng “bắn và chuồn” nhằm ám chỉ sự linh hoạt và tính cơ động cao của nó.

Nhờ được tích hợp trên nền tảng xe tải M1140, HIMARS có thể đạt tốc độ tối đa 94km/giờ và phạm vi hoạt động hơn 480km. Theo BBC, Giáo sư Phillips O’Brien tại Đại học St.Andrews (Scotland) nhận định rằng rất khó bắn trả HIMARS bởi sau khi khai hỏa, hệ thống có thể di chuyển gần như ngay lập tức.

Trong khi đó, được hãng Kongsberg quảng cáo là tên lửa hành trình chống hạm vượt đường chân trời thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới, NSM có tốc độ hành trình cận âm, tầm bắn trên 185km, trọng lượng 410kg với đầu đạn nặng 125kg.

Tên lửa trang bị một động cơ tên lửa để tăng tốc, sau đó chuyển sang dùng động cơ turbine phản lực. Lý do tên lửa NSM có tốc độ khiêm tốn hơn so với đa số các dòng tên lửa hành trình khác là bởi nhà sản xuất muốn tập trung vào khả năng “tàng hình” của nó.

Vũ khí này sử dụng cảm biến tia hồng ngoại, thay vì một thiết bị radar chủ động như phần lớn tên lửa chống hạm hiện nay, để định vị nhằm tránh phát ra sóng vô tuyến cũng như vỏ làm bằng chất liệu composite giúp “qua mặt” các thiết bị điện tử đối phương. Tạp chí quân sự Janes Defence Weekly đánh giá NSM là dòng tên lửa đa năng, khi có nhiều biến thể dành cho tàu chiến, phương tiện mặt đất, máy bay hay tàu ngầm cỡ nhỏ.

Một thông báo của Bộ Quốc phòng Australia cũng xác nhận hai thương vụ trên, đồng thời cho biết hợp đồng HIMARS bao gồm hệ thống phóng, đạn huấn luyện và tên lửa chiến đấu sẽ chính thức được trang bị vào năm 2026, trong khi tên lửa NSM có thể được dùng để thay thế những tên lửa chống hạm Harpoon, cũng do Mỹ sản xuất, sắp hết niên hạn sử dụng trên các tàu khu trục lớp Hobart và Anzac từ năm 2024.

Đáng chú ý, thỏa thuận mua HIMARS là một phần của Chương trình hợp tác phát triển tên lửa tấn công chính xác cao giữa Washington và Canberra thuộc khuôn khổ đối tác an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). “Trong môi trường chiến lược diễn biến khó lường, Lực lượng quốc phòng Australia rất cần thiết được trang bị các khí tài hiện đại”, AP trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nêu rõ trong thông báo.

Có thể nói, Australia đang thực hiện một cách tiếp cận chủ động nhằm ngăn chặn những mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh đất nước và bảo vệ lợi ích quốc gia. Cùng với việc tham gia vào một số liên minh an ninh, nổi bật là Five Eyes (với Mỹ, Canada, Anh và New Zealand) hay AUKUS, thời gian qua, Canberra còn chú trọng dành một khoản tiền lớn cho ngân sách quốc phòng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, thâm hụt ngân sách và khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI) thống kê ngân sách dành cho quốc phòng trong năm 2021-2022 của nước này là gần 44,62 tỷ AUD, tương đương 2,09% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong thập kỷ này, Australia dự kiến chi 575 tỷ AUD cho ngân sách quốc phòng. Mặt khác, riêng về mảng mua sắm hệ thống tên lửa và vũ khí dẫn đường, ASPI ước tính Australia sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ AUD trong 20 năm tới.

VĂN HIẾU

Bài liên quan
  • Tại sao tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal không thể bị ngăn chặn?
    Là loại vũ khí được đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden công nhận là không thể ngăn chặn ở thời điểm hiện tại, tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal xứng đáng là vũ khí sẽ đảm bảo an ninh chiến lược của Nga trong nhiều thập niên tới. Vậy tại sao tên lửa Kh-47M2 Kinzhal lại không thể bị ngăn chặn?
  • “NATO nhỏ” ở Bắc Âu
    Kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng không Bắc Âu thống nhất mà 4 nước Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch công bố mới đây, được ví như việc thành lập một “NATO nhỏ” trong bối cảnh Thụy Điển và Phần Lan đang trong quá trình gia nhập NATO.
  • Hải quân Mỹ và tham vọng tạo ra lá chắn tên lửa bằng laser
    Nhiều năm qua, Hải quân Mỹ đã tập trung nguồn lực cho một số chương trình phát triển vũ khí laser tiềm năng dành cho tương lai. Chúng được kỳ vọng tạo ra lớp phòng thủ mới kết hợp với các loại vũ khí truyền thống giúp Hải quân Mỹ tiếp tục thống trị các đại dương.
  • Quân sự thế giới hôm nay (26-3): Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus
    Quân sự thế giới hôm nay (26-3) có những tin đáng chú ý sau: Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus; Singapore tiếp tục tăng cường năng lực quốc phòng; phiến quân Houthis tấn công đoàn hộ tống Bộ trưởng Quốc phòng Yemen.
  • Cách người Nga tạo ra 'xe tăng nhảy dù' Sprut-SDM1
    Là phương tiện được phát triển với mục tiêu tạo ra phương tiện chiến đấu trọng lượng nhẹ, nhưng phải có hỏa lực mạnh đáp ứng yêu cầu tác chiến sâu trong hậu tuyến đối thủ, đó chính là những đặc điểm có thể nhận ra trên dòng pháo tự hành đa dụng hay xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM1 của Nga.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hai vũ khí giúp Australia nâng cao năng lực tên lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO