Huyện miền núi Hương Sơn là thủ phủ của cây trám đen ở Hà Tĩnh. Ở huyện này, hàng trăm hộ dân đang sở hữu những cây trám đen cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm, tập trung nhiều ở các xã Kim Hoa, Sơn Ninh, Sơn Phú, Sơn Lâm... Hiện trám đen đã vào vụ thu hoạch, nhiều người giỏi leo trèo tận dụng thời gian nhàn rỗi đi hái trám thuê. Mỗi ngày trèo cây hái trám, họ có thể đút túi từ 1 đến 2 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Hùng (trú tại xã Sơn Bằng), cho biết, mỗi ngày anh cùng vợ thường đi tỉa trám thuê, giá tỉa mỗi cây dao động từ 500.000-800.000 đồng.
Dụng cụ phục vụ cho nghề tỉa trám rất đơn giản, gồm một bộ dây đai an toàn, cây sào dài 10m và một chiếc liềm sắc buộc đầu cây sào để tỉa quả trám từ trên cây rơi xuống đất.
Tuy nhiên, muốn tỉa được quả trám, người thợ phải có sức khỏe phải dẻo dai, có kỹ năng leo trèo và đặc biệt là phải có kỹ thuật tỉa trám để cây trám không bị gãy cành quá nhiều, quả trám khi rơi xuống phải từng chùm, không bị trầy xước…
Theo nghề tỉa quả trám mấy năm nay, chị Đặng Thị Lài (trú xã Sơn Phú) chia sẻ: "Để hái tỉa trám cần khoảng 2 người, một người trèo cây và một người đứng phía dưới hứng. Mỗi ngày, hai vợ chồng tôi đi hái thuê trám. Chồng tôi trèo lên cây tỉa trám, còn tôi đứng phía dưới gốc hỗ trợ. Mỗi ngày tỉa trám có thể đưa lại thu nhập cho hai vợ chồng 1-2 triệu đồng, tùy ngày".
Trung bình mỗi cây trám, sau khi tỉa xong thương lái thu về từ 2-3 tạ quả. Giá thương lái thu mua tại vườn từ 70.000-90.000 đồng/kg, sau đó bán ra thị trường từ 100.000-120.000 đồng. Trám khi đã làm ra thành phẩm thì có giá cao hơn.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một người chuyên thu mua trám tại xã Sơn Phú, cho hay: "Sau khi thu mua tại vườn của dân, trung bình mỗi ngày tôi nhập về khoảng 2-3 tạ trám ra thị trường. Trừ chi phí thuê người tỉa và các chi phí khác lãi khoảng 400.000 đồng/ngày".
Với kinh nghiệm nhiều năm đi hái trám thuê, anh Trần Công An kể rằng đa số trám đều là cây cổ thụ, thân to, cành giòn, các quả trám thường ra ở điểm cuối của cành nên trong quá trình tỉa (hái) gặp rất nhiều khó khăn.
"Chỉ cần sơ ý, vươn người ra quá là cành trám sẽ bị gãy, tai nạn có thể xảy ra nên không phải ai cũng có thể làm nghề tỉa trám được. Thời gian này tôi làm không hết việc. Trong quá trình tỉa, phải căng bạt dưới gốc cây để tránh trám rơi vào các bụi, lẫn trong cỏ dại đồng thời tránh cho quả khỏi bị dập”, anh An nói.
Quả trám đen có thể chế biến thành nhiều món ăn dân dã như: trám kho cá, trám kho thịt, trám muối, xôi trám, trám xào nhộng ong,...
Trong y học (Đông y), quả trám có tác dụng sinh tân chỉ khát, lợi yết hầu và giải độc. Trám thường được người dân dùng giải rượu, chữa yết hầu sưng đau, chữa động kinh và an thần.
Trám đen vốn là cây thân gỗ cao từ 10m đến 15m, từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch quả phải mất chừng 5 năm trở lên.
Trong số các xã có trồng trám đen thì nhiều nhất ở xã Sơn Ninh. Tại đây có những gia đình trồng thành vườn chuyên trám, 10-15 cây. Đến mùa trám, có hộ thu hoạch được 20 triệu đến 30 triệu đồng tiền bán trám.
Quả trám có hình thoi, khi chín có màu đen thẫm, cùi màu vàng, hạt nhọt hai đầu, nhân hạt trắng và rất nhiều tinh dầu.
“Một kg trám chừng 50 quả, được bán với giá cả trăm ngàn đồng, tính ra một quả có giá 2.000 đồng thì trám còn đắt hơn cả thịt gà”, anh Phan Văn Túy ở xã Sơn Ninh hài hước.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn, cây trám đen ở xã Sơn Ninh đang được quy hoạch thành loại cây đặc sản vùng miền.
Sỹ Thông - Thiện Lương