Bên lề Hội nghị WEF Davos năm 2024 tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế nhằm trao đổi về quá trình thúc đẩy hợp tác.
Gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định mong muốn kết nối giao thông giữa hai nước sẽ được tăng cường, trong đó có kết nối đường cao tốc, đặc biệt là kết nối Phnôm Pênh với TPHCM.
Hai nước cũng thúc đẩy việc phối hợp với Lào triển khai gói du lịch "Một hành trình ba điểm đến". Bộ trưởng Văn hóa của ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam sẽ gặp và bàn cụ thể biện pháp hợp tác văn hóa du lịch.
Hai bên cũng nhất trí việc giải quyết các khu vực thuộc 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc sẽ tiếp tục được thúc đẩy.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Slovakia Robert Fico, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Slovakia ủng hộ và thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Ông mong Slovakia thúc đẩy Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" (IUU) đối với thủy sản Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Slovakia đầu tư và làm ăn tại Việt Nam.
Thủ tướng Slovakia mong Việt Nam miễn thị thực cho công dân nước này để tạo thuận lợi cho du lịch và hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp hai nước.
Về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác giáo dục, trao đổi sinh viên giữa hai nước và phối hợp giải quyết vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trong cuộc trao đổi với Chủ tịch GAVI Jose Manuel Barroso, Thủ tướng đề nghị GAVI tiếp tục hỗ trợ vaccine cho Việt Nam phòng chống các loại dịch bệnh, xây dựng Trung tâm mua bán vaccine tập trung tại Bộ Y tế, chuyển giao công nghệ mRNA cho Việt Nam.
Ông khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, trao đổi vaccine với GAVI, làm cho việc tiếp cận vaccine trên toàn cầu dễ dàng hơn.
Ông Barroso cho biết GAVI sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vaccine phòng chống dịch bệnh, nhất là trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam.
Tổ chức này cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược, lập kế hoạch và thực hiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ vaccine mRNA để phát triển, sản xuất vaccine, sinh phẩm ở Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc WHO Tedro Adhanom Ghebreyesus, Thủ tướng kêu gọi các nước đoàn kết quốc tế để nâng cao năng lực ứng phó đối với những vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có dịch bệnh. Trong tiến trình này, Việt Nam ủng hộ vai trò dẫn dắt của Liên hợp quốc, đặc biệt WHO.
Tổng Giám đốc WHO cho biết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế. Ông đề nghị Việt Nam ủng hộ việc đàm phán Thỏa thuận về dịch bệnh để hướng tới hoàn tất vào tháng 5.
Gặp Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo Thủ tướng đề nghị ILO hỗ trợ Việt Nam trong xử lý vấn đề liên quan tới việc lao động bị tác động bởi chuyển đổi năng lượng.
Đối với sáng kiến của ILO và Liên hợp quốc như Liên minh toàn cầu về Công bằng xã hội và Khuôn khổ Thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội cho chuyển đổi công bằng, Việt Nam ủng hộ và đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, tham gia những sáng kiến này.
Cũng trong ngày 17/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Timor Leste Xanana Gusmão, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) Dareen Bogdan-Martin, Tổng Giám đốc Tổ chức di cư quốc tế (IOM) Amy Pope, để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế.