Tại chợ hải sản (Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng), dù mặt hàng hải sản vẫn rất dồi dào nhưng giá bán nhiều loại tăng cao so với trước. Đáng chú ý, có loại tăng gấp đôi.
Chị Diệp, một người bán hàng tại đây cho biết, hiện sò mía từ 80.000 đồng tăng lên 100.000 đồng/kg, tôm thẻ từ 220.000 tăng lên 250.000 đồng/kg, ốc hương tăng từ 170.000 lên 220.000 đồng; Các mặt hàng như ghẹ, chíp chíp, sò huyết…cũng tăng giá khoảng 20.000-50.000 đồng/kg. Hiện giá ghẹ xanh loại 6-7 con/kg ở mức 350.000-400.000 đồng/kg.
Nhiều loại hải sản tăng giá |
Đặc biệt là cá mú tăng giá chóng mặt, tăng liên tục từ 220.000 lên 330.000 đồng/kg. Ngao tím tăng giá gấp đôi từ 50.000 lên 90.000-100.000 đồng/kg.
“Cá mú đắt quá nên chúng tôi không dám nhập nhiều về để bán. Mỗi con cá lời vài chục nghìn nhưng chẳng may cá chết thì mất vốn”, chị Diệp nói thêm.
Theo các tiểu thương, giá hải sản tăng do nhiều nguyên nhân. Từ sau đợt 30/4, du lịch sôi động, nhộn nhịp, giá một số loại hải sản tăng do sức mua tăng, các nhà hàng, khách sạn tăng mua. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí mỗi chuyến đi biển của ngư dân tăng, nhiều người không chịu nổi phải cho tàu nằm bờ dẫn đến việc giá bị đẩy lên cao. Ngoài ra, một số loại xuất khẩu sang Trung Quốc nên trong nước khan hàng khiến giá cũng nhảy múa theo.
Tại siêu thị hải sản trên đường Lê Đình Dương (quận Thanh Khê), nhân viên tại đây cho biết, do giá xăng dầu tăng nên giá một số loại hải sản đã được điều chỉnh tăng.
Chẳng hạn như cá dìa trước là 290.000 đồng/kg lên 320.000 đồng/kg, cá bã trầu 290.000 lên 340.000 đồng/kg, mực lá 420.000 đồng/kg tăng lên 450.000 đồng. Hiện tôm sú sống size 4-5 con/kg giá 1,8 triệu đồng/kg, size 9-10 con giá 1,6 triệu đồng/kg, tôm sú size nhỏ hơn giá 1,4 triệu đồng/kg. Riêng mặt hàng cá hồi phi lê có giảm nhẹ từ 830.000 xuống 790.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Bông (quận Thanh Khê) bất ngờ khi giá hải sản tăng mạnh.
“Cách đây 1 tuần tôi mới mua cá mú giá 260.000 đồng/kg nhưng mới đây đã tăng vọt lên 330.000 đồng/kg. Cứ tưởng người bán họ nói thách nhưng đi sang chợ khác thấy giá cũng y như vậy. Các loại cá khác cũng tăng giá, như cá bạc má trước khoảng 90.000- 100.000 đồng/kg nay tăng lên 120.000-150.000 đồng/kg; cá diêu hồng từ 55.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg”, chị nói.
Giá cá mú tăng vọt lên 330.000 đồng/kg |
Chủ quán nhậu hải sản Lộng Gió trên đường Trần Hưng Đạo cho biết, cách đây vài hôm chị buộc phải tăng giá bán ốc hương từ 550.000 đồng/kg lên 600.000 đồng/kg do giá nhập vào tăng mạnh.
Đà Nẵng hiện có hơn 1.200 tàu thường xuyên hoạt động khai thác trên biển, trong đó, có 600 tàu đánh bắt xa bờ. Giá xăng dầu tăng cao khiến chủ thuyền gặp nhiều khó khăn. Nhiều tàu thuyền phải nằm bờ và ngư dân phải tính toán để đảm bảo những chuyến đi biển hiệu quả.
Theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-50%, đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê...làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, trong đó hướng đến ngư dân. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cùng các bộ ngành, địa phương liên quan có hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản để rà soát, cân đối, bố trí ngân sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.
Hình thức hỗ trợ được Bộ Công Thương đề xuất là hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu 2022 đối với loại xăng dầu ngư dân sử dụng để khuyến khích ngư dân khôi phục hoạt động vươn khơi, bám biển, thực hiện đến hết năm.
Diệu Thuỳ