Hải sản bị ép giá, ngư dân thua lỗ

12/07/2022 10:01

Trong khi giá nhiên liệu tăng hơn gấp đôi chỉ trong 6 tháng thì giá hải sản sau đánh bắt lại không tăng, thậm chí có những loại giảm một nửa giá. Đây là nguyên nhân khiến ngư dân Nghệ An càng đi càng lỗ.

Tư thương ép giá

Hải sản bị ép giá, ngư dân thua lỗ ảnh 1
Khi lượng tàu thuyền về nhiều, thương lái sẽ giảm giá thu mua hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngư dân Đinh Trọng Chương ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho hay, khi tàu về gần tới cảng, đã có thương lái chờ thu mua và họ tự đặt giá, nhiều lúc giá giảm nhưng ngư dân phải chịu. Thương lái thu mua hải sản chủ yếu là những người cung cấp đầu vào cho các kho cấp đông trên địa bàn huyện, họ đưa ra nhiều lý do để hạ giá.

“Giá dầu tăng cao, ngược lại giá bán hải sản tại cảng cá thậm chí giảm, là nguyên nhân ngư dân thua lỗ sau mỗi chuyến biển. Nên chăng, cần có doanh nghiệp lớn vào thu mua thì mới giữ được sự ổn định giá cả”- ngư dân Đinh Trọng Chương băn khoăn.

Ông Nguyễn Đức Đông - Quản lý cảng cá Lạch Quèn cho hay: Thường thì mỗi tháng tàu thuyền về cảng 2 đợt vào giữa tháng và cuối tháng. Tàu thuyền nào về trước còn bán được giá, chứ khi tàu về đại trà, thương lái hạ giá. Thời điểm mấy tháng đầu năm nay, thậm chí sản phẩm cá hố giảm hơn một nửa, trước đây có giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 30.000 - 40.000 đồng/kg. Do giá hải sản không tăng, trong khi giá dầu tăng chóng mặt, nên phần lớn tàu thuyền sau mỗi chuyến biển đều thua lỗ, tỷ lệ tàu thuyền nằm bờ ngày càng nhiều.

Hải sản bị ép giá, ngư dân thua lỗ ảnh 2
Cá hố giảm giá mạnh nhất trong 6 tháng qua. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong khi đó, theo “lập luận” của những người thu mua, hải sản giảm giá là do thị trường Trung Quốc đóng băng vì chính sách "Zero Covid".

Anh Lê Xuân Tư - quản lý, điều hành kho cấp đông trên địa bàn xóm 6, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cho rằng, nguyên nhân giá hải sản thu mua của ngư dân không tăng là do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chưa thông, phần lớn hải sản sau cấp đông hiện nay phải vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Trong khi giá dầu tăng cao, khiến chi phí vận tải tăng đột biến, do vậy, các cơ sở cấp đông buộc phải giảm giá đầu vào.

“Mặc dù sản lượng hải sản trong 6 tháng đầu năm không nhiều, thậm chí có những lúc không đủ nguồn đầu vào, nhưng chúng tôi không thể tăng giá thu mua cho bà con được, bởi toàn bộ cước phí vận chuyển chúng tôi phải chịu”, anh Tư cho hay.

Hải sản bị ép giá, ngư dân thua lỗ ảnh 3
Trong khi giá nhiên liệu tăng gấp đôi, nhưng hải sản lại giảm giá là nguyên nhân chính khiến ngư dân thua lỗ. Ảnh: Xuân Hoàng

Qua khảo sát cho thấy, tình trạng tư thương ép giá hải sản diễn ra tại tất cả các cảng cá ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, là những địa phương có số lượng tàu cá công suất lớn, sản lượng đánh bắt hải sản cao nhất tỉnh. Bà con ngư dân cho biết, họ hoàn toàn bất lực, bởi 100% hải sản sau đánh bắt đều phụ thuộc vào thương lái.

Cần có doanh nghiệp lớn bao tiêu

Nghệ An hiện có 3.422 tàu, thuyền đang hoạt động đánh bắt trên biển (có 1.170 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên), trong đó, nghề lưới rê 1.621 tàu, nghề lưới chụp 589 tàu, nghề lưới vây, nghề lưới kéo 704 tàu, nghề khác 348 tàu, với 17.014 lao động trực tiếp trên tàu. Sản lượng đánh bắt hải sản hàng năm trên 170.000 tấn.

Tàu, thuyền ra khơi, ngoài tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, còn có nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Do vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích bà con ngư dân bám biển. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng đột biến đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của ngư dân.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định, giá xăng, dầu liên tục tăng cao, tăng trên 70%, giá cả vật tư, thiết bị phục vụ khai thác hải sản đều tăng (đá lạnh, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ, nhân công), nhưng giá bán hải sản trong những tháng đầu năm 2022 không tăng đã gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt thủy sản, nhiều tàu cá nằm bờ.

Hải sản bị ép giá, ngư dân thua lỗ ảnh 4
Giá dầu tăng cao khiến các loại nguyên liệu khác phục vụ đánh bắt hải sản cũng tăng theo. Ảnh: Xuân Hoàng

Đơn cử như nghề lưới vây đánh bắt vùng biển khơi, tập trung chủ yếu tại huyện Quỳnh Lưu và một số ít tại thị xã Hoàng Mai, từ năm 2020 trở về trước, chi phí mỗi chuyến biển bình quân 120-140 triệu đồng, thu nhập mỗi lao động 6-7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, do giá xăng, dầu liên tục tăng, làm chi phí mỗi chuyến biển tăng từ 40-60 triệu đồng, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của bà con, hầu hết tàu cá ít đi khai thác; hiện có 10-20% tàu khai thác có lãi nhưng thu nhập của lao động giảm xuống 4-5 triệu đồng/người/tháng; có 40-50% tàu khai thác lỗ, nằm bờ.

Tại cuộc họp của UBND tỉnh cuối tháng 6 vừa qua bàn về giải pháp khắc phục khó khăn cho bà con ngư dân, đại diện chính quyền một số xã: Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long… (Quỳnh Lưu) cho rằng, thực trạng tư thương ép giá thu mua hải sản xảy ra từ trước đến nay. Để ổn định được đầu ra cho hải sản sau đánh bắt, cùng với việc đầu tư nâng cấp các cảng cá như hiện nay, tỉnh cần thu hút các doanh nghiệp lớn vào hoạt động chế biến, thu mua hải sản cho ngư dân một cách ổn định.

Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, từ trước đến nay, phần lớn sản lượng hải sản sau đánh bắt là thương lái thu mua cung cấp đầu vào cho các cơ sở cấp đông nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng hình thành chuỗi cung ứng khai thác, dịch vụ hậu cần, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định giá...

Theo Báo Nghệ An

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/hai-san-bi-ep-gia-ngu-dan-thua-lo-415215.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/hai-san-bi-ep-gia-ngu-dan-thua-lo-415215.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hải sản bị ép giá, ngư dân thua lỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO