Trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2025, hải quân Mỹ muốn cho "nghỉ hưu đúng hạn" 9 tàu và "nghỉ hưu sớm" 10 tàu. Đầu tiên là 3 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles, gồm USS Helena (được biên chế năm 1987), USS Pasadena và USS Topeka (cùng được biên chế vào năm 1989).
Trên thực tế, lớp tàu ngầm Los Angeles lâu nay đã dần được thay thế bằng lớp Virginia mới hơn. Tiếp theo là 2 tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga, gồm USS Philippine Sea và USS Normandy, vốn được biên chế lần lượt vào các năm 1987 và 1988 với tình trạng hoạt động hiện tại được đánh giá là "kém". Cùng với đó là 4 tàu quét thủy lôi USS Sentry, USS Devastator, USS Gladiator và USS Dextrous, vốn được biên chế từ thập niên 1980 và đang trong tình trạng "hoạt động không tốt".
Tạp chí Popular Mechanics nhấn mạnh, trong khi 9 tàu nói trên "hoàn toàn cần phải ra đi", danh sách 10 tàu "nghỉ hưu sớm" của hải quân Mỹ lại gây nhiều tranh cãi bởi trong số này có nhiều chiếc mới được đưa vào hoạt động chưa tới 10 năm.
Tàu đổ bộ USS Germantown là tàu có thời gian phục vụ lâu nhất trong danh sách các tàu mà hải quân Mỹ muốn cho "nghỉ hưu sớm". Mặc dù được biên chế từ năm 1986 nhưng tàu USS Germantown vẫn được hải quân Mỹ xếp vào danh sách "nghỉ hưu sớm" thay vì "nghỉ hưu đúng hạn".
Tạp chí Popular Mechanics cho biết, lý do là vì theo quy định hiện hành, hải quân Mỹ phải bảo đảm có tối thiểu 31 tàu đổ bộ "trong mọi thời điểm".
Tiếp theo là 2 tàu tuần dương USS Shiloh và USS Lake Erie. Cũng thuộc lớp Ticonderoga nhưng thời gian phục vụ của 2 tàu này có phần ngắn hơn so với 2 tàu USS Philippine Sea và USS Normandy trong danh sách "nghỉ hưu đúng hạn" đã đề cập ở trên.
Trong danh sách "nghỉ hưu sớm" còn có một số loại khác như các tàu vận tải cao tốc USNS Spearhead, USNS Millinocket, USNS Choctaw, USNS Fall River hay các tàu tác chiến ven bờ USS Montgomery, USS Jackson... với thời gian phục vụ cho đến nay chỉ dao động trong khoảng từ 7 đến 11 năm.
Các tàu của hải quân Mỹ tham gia một cuộc huấn luyện, tháng 3-2023. Ảnh: Defense News |
Tạp chí Popular Mechanics nhận định, hải quân Mỹ muốn cho 10 tàu "nghỉ hưu sớm" là vì chi phí để duy trì hoạt động của chúng quá tốn kém. Đáng chú ý, mặc dù muốn loại biên tổng cộng 19 tàu trong tài khóa 2025, song hải quân Mỹ lại chỉ đề xuất mua thêm 6 tàu mới. "Nếu Quốc hội Mỹ thông qua (cũng có thể là không), số tàu chiến của hải quân Mỹ sẽ giảm 13 chiếc so với hiện nay. Đây là trường hợp tiến một bước, lùi ba bước", Tạp chí Popular Mechanics nêu rõ.
Kế hoạch của hải quân Mỹ được đưa ra trong bối cảnh lực lượng này hiện sở hữu hơn 290 tàu chiến. Theo Tạp chí Popular Mechanics, vào cuối Chiến tranh lạnh, hạm đội tàu chiến của hải quân Mỹ có gần 600 chiếc.
Đến năm 2007, con số này đã giảm xuống chỉ còn 279 chiếc, thấp nhất kể từ năm 1916-thời điểm ra đời “Đạo luật mở rộng hải quân 1916” với mục tiêu đưa hải quân Mỹ trở thành "lực lượng trên biển mạnh nhất thế giới".
Những năm gần đây, hải quân Mỹ chú trọng tới việc tăng quy mô hạm đội tàu chiến. Trong kế hoạch mới nhất gửi Quốc hội về việc phát triển hạm đội tàu chiến trong vòng 30 năm tiếp theo, hải quân Mỹ đã đưa ra hai phương án.
USNI News cho biết, theo phương án thứ nhất, hải quân Mỹ sẽ sở hữu tổng cộng 381 tàu. Theo phương án thứ hai (xảy ra trong trường hợp nguồn lực bị hạn chế), hạm đội tàu chiến của Mỹ sẽ có tối đa 348 chiếc.
Tạp chí The National Interest cho rằng việc Mỹ muốn gia tăng số lượng tàu chiến so với hiện nay là dễ hiểu. Tuy hạm đội tàu chiến của Mỹ hiện có hơn 290 chiếc nhưng số lượng thực sự “sẵn có” tại những khu vực quan trọng lại “rất khiêm tốn”. Nguyên nhân là vì các tàu của hải quân Mỹ phải được phân bổ cho nhiều khu vực khác nhau nhằm bảo vệ các lợi ích hàng hải của Washington. Đó là chưa kể tới những thời điểm các tàu phải tham gia các chương trình huấn luyện hoặc bảo dưỡng.
HOÀNG VŨ