Theo ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, sau 2 năm học triển khai Nghị quyết HĐND TP Hải Phòng về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp, học sinh toàn thành phố được hỗ trợ hơn 340 tỷ đồng học phí từ ngân sách thành phố.
“Đây là chính sách mới, được đánh giá nhân văn, là sự quan tâm lớn của thành phố đối với ngành giáo dục, nhất là với các em học sinh”, ông Kiệm chia sẻ.
Chính sách nhân văn
Theo người đứng đầu ngành giáo dục Hải Phòng, với phương châm đầu tư cho an sinh xã hội phải đi trước một bước với tốc độ phát triển kinh tế, ngày 9/12/2019, HĐND TP Hải Phòng có Nghị quyết số 54/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến THPT (trừ bậc Tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục).
Theo Nghị quyết này, trẻ Mầm non, học sinh THCS, THPT, học sinh theo học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên tại TP Hải Phòng sẽ được hỗ trợ 100% học phí từ ngân sách thành phố.
Trong đó, việc hỗ trợ học phí với trẻ mầm non, học sinh THCS thực hiện từ năm học 2020 - 2021. Học sinh THPT được hỗ trợ học phí từ năm học 2021 - 2022.
Năm học 2020 - 2021, thành phố hỗ trợ học phí cho hơn 254 nghìn học sinh 2 cấp (Mầm non, THCS) trên 100,7 tỷ đồng. Năm học 2021 - 2022, hơn 310 nghìn học sinh cả 3 cấp (Mầm non, THCS, THPT) được hỗ trợ hơn 238,4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được trích từ ngân sách thành phố.
Để thực hiện Nghị quyết số 54/2019/NQ-HĐND, hàng năm HĐND TP Hải Phòng phải ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với các cấp học theo quy định để làm cơ sở xác định số kinh phí hỗ trợ cho các học sinh.
"Đó là chính sách rất ưu việt, có sự đầu tư chiều sâu cho thế hệ trẻ ở các cấp học, trong đó có học sinh khối 12 của con em chúng tôi”, ông Vũ Hoàng Minh (phụ huynh học sinh lớp 12A5, Trường THPT Lê Hồng Phong, Hải Phòng) chia sẻ. Vị này cho biết thêm, khi triển khai chính sách này, trong các buổi họp phụ huynh, họp lớp, các thầy cô đều phổ biến, tuyên truyền rõ cho phụ huynh và học sinh hiểu được.
Cũng theo ông Minh, nhà trường vừa tổng kết năm học 2021 - 2022, thông báo kết quả học tập cho thấy, nhờ chính sách hỗ trợ học phí này và các yếu tố khác nên kết quả học tập của học sinh khối lớp 12 nói riêng và toàn trường THPT Lê Hồng Phong nói chung đã có sự thay đổi đột biến, với hàng loạt giải thưởng học sinh đạt được.
Kết quả nổi bật
Vừa là cán bộ quản lý giáo dục, vừa là giáo viên và là phụ huynh học sinh, ông Đinh Hồng Tiệp - Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) nhận định, chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh của Hải Phòng là một trong những chính sách nhân văn, là động lực và cũng là nguồn lực để hỗ trợ cho giáo dục phát triển.
“Sự quan tâm của thành phố sẽ tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh, giúp gia đình hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. 63 tỉnh, thành mới chỉ có Hải Phòng làm được điều này”, ông Tiệp nói.
Từ đầu năm học, trường triển khai 3 việc là giáo dục truyền thống, nội quy nhà trường và công tác an sinh xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ học phí của thành phố với học sinh, để các em tự tin trong học tập. Năm học 2021 - 2022, nhà trường đạt được 39 giải học sinh giỏi các môn văn hóa cấp thành phố; 5 giải thưởng Olympic quốc gia; 3 sản phẩm đoạt giải khoa học kỹ thuật cấp thành phố và 8 giải thực hiện an toàn giao thông cấp quốc gia.
“Sự quan tâm của thành phố tạo thêm động lực cho học sinh thi đua học tập, phấn đấu. Minh chứng là chất lượng giáo dục năm nay của trường tốt hơn các năm trước, với một loạt giải thưởng”, ông Tiệp khẳng định.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, chính sách giúp giảm bớt những khó khăn, phiền toái cho các thầy cô mỗi khi triển khai thu học phí. Thậm chí, có trường hợp học sinh khó khăn, giáo viên chủ nhiệm phải bỏ tiền túi ra đóng trước để hoàn thành kế hoạch giao. “Nhắc nhiều về tài chính họ cũng ngại”, ông Tiệp bộc bạch.
Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng rất vui khi Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho học sinh mầm non đến THPT, đặc biệt với các gia đình khó khăn.
Chính sách đã tạo điều kiện để học sinh chú tâm vào việc học hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả được thể hiện rõ nhất là chất lượng giáo dục của TP Hải Phòng trong 2 năm học vừa qua được nâng lên, thông qua kỳ thi học sinh giỏi bậc THPT, Hải Phòng đạt được 85 giải, đứng thứ Nhì toàn quốc.
Không chỉ bậc học THPT, các cấp học khác của Hải Phòng chất lượng được nâng lên.
Các địa phương khác thì sao?
Theo ông Lê Khắc Nam, những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương kinh tế phát triển, thu ngân sách tăng năm sau cao hơn năm trước nên thành phố trích ra một phần trong sự phát triển, tăng nguồn thu ngân sách đó để hỗ trợ cho giáo dục. Một năm thành phố chi hỗ trợ cho giáo dục đến hơn 400 tỷ đồng.
Hải Phòng là địa phương đi đầu thực hiện chính sách hỗ trợ 100% học phí. Chính sách đặc thù của địa phương, phải được HĐND thành phố thông qua. Trước khi chi Hải Phòng đã xin ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo ông Nam, các địa phương khác chưa thực hiện được có lẽ nguyên nhân do nguồn thu.
Không chỉ giáo dục, ngay cả chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, mỗi dịp Tết, thành phố tặng tiền mặt 5 triệu đồng/gia đình, với nguồn chi hơn 250 tỷ, các địa phương khác không thể thực hiện được việc này.
“Phụ thuộc vào nguồn thu nội địa của mỗi địa phương. Các địa phương muốn thực hiện cũng cân nhắc đến điều này. Hải Phòng 4-5 năm về trước thì cũng không thể thực hiện được”, ông Nam chia sẻ.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 - 2023, và đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về giá sách giáo khoa.
Trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.