Khi người tâm thần 'đi buôn'
Chúng tôi gặp chị trong con hẻm số 42 đường Hồ Hảo Hớn (Phường Cô Giang, Quận 1, TP.HCM). Trời nắng gắt. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe máy hay một người đi bộ ngang qua ...
Chị dáng người cao ráo. Mái tóc chị cắt ngắn, lốm đốm vài sợi bạc. Nhìn gương mặt chị, mũi cao, đôi mắt to, đôi môi trễ xuống. Trên người chị, áo thun tím nhạt và quần jean xanh sạch sẽ tinh tươm. Chân mang giày. Khá lịch sự.
Người đàn bà khắc khổ đi bán hàng
Chị vẫn đứng trước ngôi nhà sang trọng đó. Trên cổ chị, một sợi dây chuyền bạc. Hai tay chị, một chiếc đồng hồ và một chiếc lắc. Chị mang nhiều chiếc nhẫn trong ngón tay. Vừa cầm một bịch nước vừa đưa những thứ trên tay chị hướng vào trong nhà. Chị không nói và chỉ ra dấu. Một lát không kết quả, chị tiếp tục đi sâu vào trong hẻm rồi đứng lại.
Chị đứng như thế cũng khá lâu. Có lẽ đã quen thuộc với hình ảnh này nên người trong xóm không ai quan tâm đến chị. Chúng tôi tìm cách tiếp cận nhưng chị không nói.
Đồng hồ, nhẫn, dây chuyền, lắc đều là hàng giả được chị Cẩm Vân chào bán.
Căn nhà ở gần đó vừa mở cửa. Người phụ nữ bước ra, chúng tôi tiến đến. Chị Cúc, tên người phụ nữ cho biết, người đàn bà đó là cư dân lâu đời trong hẻm. Bà tên Cẩm Vân, năm nay cũng đã hơn 60 tuổi, bị bệnh tâm thần.
Chị Cúc kể cho cho chúng tôi nghe về cuộc đời bà. Bà từng có một gia đình êm ấm. Bà có mẹ, có anh chị và một người con gái khá xinh. Con gái bà cũng đã có chồng và có con.
Khoảng 30 năm trước, gia đình bà Cẩm Vân không giàu nhưng cũng đủ sống. Bà là người có nhan sắc. Bà thường đi chùa làm công quả. Bà hay tham gia vào các công tác thiện nguyện giúp đỡ những người cơ nhỡ.
Có một lần, bà đi xa buôn bán trở về tự dưng phát bệnh. Căn bệnh của bà nhiều người tưởng trầm cảm nhưng không phải. Bà không nói - đúng hơn là ít nói. Bà ở với mẹ. con bà thỉnh thoảng cũng đến thăm ...
Sau khi bà bị bệnh, gia đình trở nên sa sút. 5 anh chị ruột của bà lần lượt mất vì nhiều lý do. Chỉ còn lại mình bà nửa tỉnh nửa mê. Thi thoảng, bà tìm mua các thứ đồ trang sức giả như bà đang cầm trên tay đeo trên cổ rồi lân la tìm người gạ bán. Ở trong hẻm này ai cũng biết bà nên cũng có người ủng hộ bằng cách mua những thứ đó giúp bà với giá 20 - 30.000đ. Tiền đó bà đem về cho mẹ...
Hai người phụ nữ trong túp lều giữa trung tâm Sài Gòn
Tiếng là bệnh tâm thần nhưng bà Cẩm Vân không phá phách, không làm phiền ai. Bà chỉ lầm lũi đi rồi về với mẹ. Chị Cúc kể tiếp, có lần bà về đến gần nhà thấy trong thùng rác của hàng xóm có một bịch nghêu đã thối. Bà lấy ra đem về rửa rồi nấu ăn...
Chiếc mùng chiếm hết diện tích căn nhà
Bà Cẩm Vân không đứng nữa. Bà bước đi. Chị Cúc nói với chúng tôi, bà về nhà đó. Muốn biết hoàn cảnh bà cứ đi theo thì biết.
Chúng tôi nối gót. Căn nhà nằm khuất sâu bên trong. Dường như đây là một chái nhà với mái tôn xiêu vẹo. Diện tích bên trong chưa được 8m2 đầy ắp nhưng đồ đạc lỉnh kỉnh. Với diện tích này không biết rồi cả 2 mẹ con ngủ ra sao. Một chiếc mùng được treo chiếm hết căn nhà...
Những bao ve chai phế liệu được bày biện khắp nơi. Từ ngoài cổng vào tận bên trong. Một bà cụ bước ra chào chúng tôi. Bà là Trương Thị Biết, 92 tuổi. Bà cụ cho chúng tôi biết, bà và con gái Cẩm Vân ở đây nhiều chục năm rồi. Người chủ căn nhà này cho bà cụ ở, chỉ lấy tiền điện nước 300.000đ/tháng.
Bà cụ Biết bên trong căn nhà
Cụ Biết quê ở Giồng Riềng (Kiên Giang) lên Sài Gòn đã lâu. Cụ có chồng và 6 con nhưng hiện nay chỉ còn mình cụ và con gái út Cẩm Vân. Ngày 2 lần, 0 giờ sáng và 5 giờ sáng cụ đi khắp xóm nhặt những thứ mà nhiều người vứt đi. Sở dĩ phải đi vào các giờ này - cụ giải thích - để nhặt được nhiều chai lọ hơn. Mình phải đi gom sớm nếu không đến sáng nhặt không lại người khác.
Những bao ve chai này đã nuôi sống 2 mẹ con từ nhiều năm nay. Ban ngày, cụ phải lo toan nhiều việc như giặt giũ, nấu ăn. Chị Cẩm Vân không giúp gì được cho cụ. Điều này cụ cũng không trông mong gì. Cụ chỉ sợ sau này cụ qua đời, ai sẽ là người lo cho Cẩm Vân?
Cuộc sống của 2 mẹ con cụ rất thiếu thốn và rất cơ cực. Chính quyền địa phương hàng tháng trợ cấp cho cả 2 người được 1.140.000đ. Mỗi lần nhận tiền, công việc đầu tiên của cụ là đóng 300.000 tiền điện nước.
Cụ Trương Thị Biết, mẹ của bà Cẩm Vân
"Tôi cực khổ quen rồi. Tôi chỉ lo cho con Cẩm Vân thôi. Trước đây nó vẫn gọi tôi là má nhưng từ ngày nó bệnh, nó chỉ kêu tui là bà bán bành sùng. Tui muốn nghe lại tiếng má từ miệng nó nhưng mấy chục năm nay vẫn chưa được". Cụ tâm sự với chúng tôi.
Nghe bà nói, chúng tôi nhìn vào bên trong. Chị Cẩm Vân lắc lẻo trên chiếc võng mà không hề biết đến nỗi nhọc nhằn và ưu tư của mẹ. "Bà bán bánh sùng ơi, có gì cho con ăn không? ". Nghe chị gọi mẹ như thế chúng tôi chợt nghẹn lòng. Nhưng biết làm sao hơn với một người bị bệnh tật như chị.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên ViewtNamNet ngày 19/06/2017
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/nguoi-dan-ba-deo-day-trang-suc-dung-truoc-ngoi-nha-sang-trong-o-sai-gon-378847.html?