Hai ngân hàng Mỹ sụp đổ: Siết chặt quản lý hệ thống ngân hàng

15/03/2023 06:31

Các chuyên gia cho rằng, việc hai ngân hàng ở Mỹ sụp đổ ít nhiều cũng sẽ “ lan” tác động ảnh hưởng tới thị trường tài chính các nước trên thế giới. Nhưng nếu hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia nào kiểm soát tốt, đặc biệt các ngân hàng có quốc gia tuân thủ về quản trị thì những rủi ro về trái phiếu, nợ xấu hay phá sản ngân hàng đều giảm tốc.

Có tác động gì đến Việt Nam?

Ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác ra thông báo chung về việc đóng cửa ngân hàng Signature Bank có trụ sở ở bang New York. Đây là ngân hàng lớn thứ ba phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ. Sự việc diễn ra chỉ 2 ngày sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California phá sản.

Hai ngân hàng Mỹ sụp đổ: Siết chặt quản lý hệ thống ngân hàng ảnh 1
Cảnh báo hệ thống ngân hàng Việt Nam với nhiều mức độ rủi ro về trái phiếu và nợ xấu bất động sản (ảnh minh họa). Ảnh: Như Ý

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, việc ngân hàng Mỹ đổ vỡ có tác động nhưng không đến mức quá nặng nề nhiều. Chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang giảm nhẹ và còn biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Lực cũng nhận định: Việc huy động vốn của các công ty công nghệ, startups toàn cầu sẽ khó khăn hơn và bị đánh giá rủi ro hơn, nên có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn.

“Sau thông tin 2 ngân hàng Mỹ phá sản, tôi nhận được nhiều câu hỏi như: Việc này có giống khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng bắt đầu từ Mỹ năm 2008-2009 hay không? Sự việc có khả năng tạo domino lan truyền sang cả hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Á và Việt Nam hay không? Tôi cho rằng, ngân hàng Mỹ phá sản sẽ ảnh hưởng tới người gửi tiền. Với thị trường tài chính Mỹ, việc đóng cửa ngân hàng có thể sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính. Một số ngân hàng có quy mô nhỏ, có mô hình hoạt động tương tự đã và đang chịu ảnh hưởng với giá cổ phiếu giảm, khách hàng rút tiền, chất lượng tín dụng có vấn đề hơn. Sự cố này cũng có thể sẽ khiến Fed xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất thời gian tới”, ông Lực cho biết.

Theo ông Lực, sự việc 2 ngân hàng Mỹ đổ vỡ rút ra một số kinh nghiệm cho thị trường tài chính. Theo đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Tăng trưởng trong kiểm soát được rủi ro, trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính, và cần phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh. Vì vậy, minh bạch, kỷ luật thị trường cùng với nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ tài chính, và hiệu quả truyền thông là rất quan trọng.

Với trường hợp ngân hàng Mỹ, ông Lực nhìn nhận: Rõ ràng, cơ quan giám sát ngân hàng của bang này chưa có những cảnh báo kịp thời. Cùng với đó, mỗi quốc gia cần có một mạng lưới an toàn tài chính. Trong đó, cần quan tâm đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và nền kinh tế thực. Từ đó, cần có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, bài bản, hiệu quả.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lại có góc nhìn khác khi nhận định: Việc sụp đổ 2 ngân hàng Mỹ sẽ là bài học để nhìn sang Việt Nam bởi có những sự tương đồng.

Ông Hiếu phân tích, 2 ngân hàng Mỹ đều nắm giữ lượng trái phiếu lớn từ chính phủ Mỹ và các trái phiếu bất động sản được đảm bảo. Những trái phiếu 2 ngân hàng này giảm giá đáng kể do FED tăng lãi suất mạnh, từ gần 0% lên biên độ 4,5-4,75% trong vòng chưa đầy một năm. Lãi suất tăng vọt khiến các loại trái phiếu mà ngân hàng mua bằng tiền gửi giá rẻ từ khách hàng giảm giá trị. “2 ngân hàng này bán trái phiếu lỗ lên đến 1,8 tỷ USD nhưng nhiều người rút tiền nên họ buộc phải bán lỗ”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, ở Mỹ, hiện nhiều người lo sợ tiền của mình gửi ngân hàng có an toàn hay không? Chính phủ Mỹ vừa đưa ra thông báo bồi thường tất cả tiền gửi. Việc tuyên bố của Chính phủ Mỹ chỉ để trấn an thị trường.

Hiện, các ngân hàng Việt đang nắm giữ trái phiếu đa số của doanh nghiệp bất động sản.“Số trái phiếu ngân hàng nắm giữ khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó nhiều trái phiếu đến hạn năm nay và năm tới. Trong số này 1/3 là doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Như vậy, nhiều trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng nắm giữ cũng rất rủi ro”, ông Hiếu nói.

Quản lý, kiểm soát chặt chẽ

Trả lời cử tri Hà Nội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, cơ quan Thanh tra ngành ngân hàng vừa qua đã tập trung nguồn lực thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm. Với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, NHNN đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Trong đó, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của tổ chức tín dụng khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

“NHNN cũng đưa ra quy định tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn, góp vốn… Ngược lại, tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của mình…”- Thống đốc cho biết.

Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho biết, NHNN tăng cường thanh tra việc ngân hàng tham gia thị trường trái phiếu, tổ chức tín dụng làm đại lý... là điều “tốt” góp phần chấn chỉnh thị trường. Bên cạnh đấy, NHNN sẽ tích lũy được kinh nghiệm cần quản lý, uốn nắn thị trường.

Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng với thị trường trái phiếu phải có giải pháp lâu dài. Nghị định về vấn đề này đã được sửa đổi nhưng mới giải quyết được bài toán trước mắt.

“Tôi kiến nghị nhiều lần, phải có bản đề án chi tiết phân loại từng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Xem năng lực doanh nghiệp như thế nào và xử lý ra sao?”, ông Hòe nói.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Tăng trưởng trong kiểm soát được rủi ro, trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hai ngân hàng Mỹ sụp đổ: Siết chặt quản lý hệ thống ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO