TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết thời gian qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp ngộ độc do ăn hoặc uống nhầm lá ngón. Mới đây là trường hợp hai vợ chồng đi chăn trâu trên rừng, hái nhầm lá ngón về nấu nước uống do nghĩ đó là cây beo (loại cây có thể nấu nước uống được).
Sau khi uống nước, hai vợ chồng xuất hiện tình trạng đau đầu, choáng váng, nôn, co giật, được người thân vận chuyển đến Trung tâm Y tế huyện để cấp cứu. Người vợ uống ít hơn nên mức độ ngộ độc nhẹ, được điều trị ở tuyến y tế cơ sở.
Người chồng do uống nhiều hơn nên rơi vào tình trạng co giật, suy hô hấp, hôn mê, được đặt ống nội khí quản hô hấp nhân tạo, sơ cứu ban đầu rồi chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Bác sĩ Tình cho biết người bệnh được đưa đến bệnh viện ngày 10/5, khi đã hôn mê sâu, thở hoàn toàn theo bóng bóp qua ống nội khí quản, rối loạn nhịp tim, co giật từng cơn, đồng tử giãn. Tình trạng bệnh nhân tiên lượng rất xấu.
Sau 4 ngày điều trị thở máy, cắt cơn co giật, điều chỉnh rối loạn nhịp tim, thải độc, truyền dịch bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn cần điều trị, theo dõi tích cực.
Cây lá ngón (còn gọi cây rút ruột) thuộc dòng họ cây mã tiền, chưa chất cực độc ở rễ, lá, hoa, thân cây. Chất độc này tác động trực tiếp đến dẫn truyền thần kinh gây co giật, liệt cơ, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, có thể gây chết người trong trong thời gian ngắn nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ở Việt Nam, lá ngón được coi là một trong bốn loại cây độc tính cao nhất (thuộc độc bảng A), bởi chứa chất kịch độc Alkaloid gây chết người. Hình dạng lá ngón rất giống nhiều cây thuốc, rau ăn được nên dễ gây nhầm lẫn.
Triệu chứng ngộ độc do lá ngón là đau bụng, buồn nôn, yếu mệt, cơ tay chân khó vận động. Trường hợp nặng có thể liệt cơ hoàn toàn, thở yếu dẫn đến suy hô hấp, nhịp tim chậm, huyết áp tụt, ngừng tim, co giật.
Theo bác sĩ Tình, khi có người bị ngộ độc lá ngón, người bệnh cần được sơ cứu ban đầu bằng cách gây nôn hoặc bơm rửa dạ dày rồi nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế. Người dân cần cẩn trọng khi hái các loại cây rừng làm thuốc hoặc dùng làm thực phẩm để tránh ngộ độc.