Em Văn Duy Phúc (lớp 12 Văn) và Ngô Khánh Nam (lớp 12 Anh 1) Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Nha Trang). (Ảnh: TTXVN phát)
Từng trải qua, thấu hiểu và đồng cảm với những áp lực trong học tập của bạn bè, hai em Văn Duy Phúc, lớp 12 Văn và Ngô Khánh Nam, lớp 12 Anh 1, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã thực hiện đề tài Nâng cao năng lực thích ứng với áp lực đồng trang lứa trong học tập ở học sinh Trung học Phổ thông trên địa bàn thành phố.
Ý tưởng được hình thành từ khi hai em đang học lớp 11. Theo em Văn Duy Phúc, thời điểm đó, hai em có rất nhiều ý tưởng nghiên cứu nhưng quyết tâm chọn áp lực đồng trang lứa trong học sinh bởi đây là vấn đề nóng của xã hội vào thời điểm này.
Lúc đầu, dự án của hai em thực hiện trong phạm vi hẹp ở Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn. Đến năm lớp 12, hai em phát triển đề tài nghiên cứu rộng khắp ở các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn thành phố Nha Trang.
Văn Duy Phúc cho rằng “Ngã chỗ nào, đứng dậy chỗ đó.” Nếu như cùng đề tài này từ năm lớp 11 nghiên cứu chưa có kết quả hoàn mỹ thì đến năm 12 phải quyết tâm thực hiện trọn vẹn. “Lúc đầu, nhiều bạn bè khuyên em và Nam đổi đề tài nghiên cứu nhưng chúng em vẫn quyết tâm thực hiện thêm một lần nữa," Duy Phúc chia sẻ.
Ngô Khánh Nam nói thêm, các đề tài nghiên cứu về áp lực đồng trang lứa trong học tập chưa được triển khai sâu, nhất là đối với học sinh Trung học Phổ thông. Vì thế, hai em đã tìm các tài liệu nghiên cứu trong nước, nước ngoài để hiểu hơn về vấn đề này và mong muốn làm được một điều gì đó giúp các bạn vượt qua áp lực khi còn đi học.
Bắt tay vào nghiên cứu, dưới sự giúp đỡ hỗ trợ của thầy cô giáo và bạn bè, hai em tiến hành phát 1.364 phiếu khảo sát học sinh các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn Nha Trang. Các phiếu, số liệu thu thập được phát đi và tính toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Em Văn Duy Phúc (lớp 12 Văn) và Ngô Khánh Nam (lớp 12 Anh 1) Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Nha Trang) trình bày dự án. (Ảnh: TTXVN phát)
Kết quả có tới 72% học sinh chịu áp lực về điểm số; 60,9% chịu áp lực về thành tích; 37,5% chịu áp lực khi so sánh bản thân mình với người khác về tính tích cực trong học tập.
Bên cạnh đó, từ 58,3% đến 81% học sinh (tùy theo từng trường) cho rằng, những áp lực này có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc học tập; từ 62,4% đến 78,9% bị ảnh hưởng về sức khỏe thể chất và sa sút nghiêm trọng về tinh thần...Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa học sinh chủ yếu là căng thẳng, buồn bả, hối hả, bức xúc, chán nản...
Qua số liệu thực tiễn cộng thêm phỏng vấn, hỏi đáp, Nam và Phúc nhận thấy những áp lực vừa do nguyên nhân chủ quan từ phía các bạn học sinh, vừa do nguyên nhân khách quan từ phía gia đình, thầy cô, bạn bè, nhà trường. Có những áp lực vừa có tính tích cực là tạo động lực, truyền cảm hứng để các bạn phát huy năng lực của bản thân; đồng thời chính áp lực cũng hình thành những cảm xúc tiêu cực.
Nhiều ý kiến khảo sát của các bạn học sinh ở trên địa bàn thành phố Nha Trang tâm sự, chia sẻ rất thực lòng và đáng lo ngại khi các bạn ấy luôn tự so sánh bản thân với các bạn bè đồng trang lứa. Từ đó mặc cảm, dễ dàng rơi vào “hố sâu” tâm lý, luôn thấy mình sẽ thua thiệt với bạn bè, càng cố gắng phấn đấu nhưng lại rơi vào bế tắc tâm lý.
Để có luận chứng thiết thực, Phúc và Nam đã chủ trì tổ chức một buổi hội thảo với chủ đề “Đánh bay áp lực - Vực dậy tinh thần” tại Trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng.
Tại đây, các học sinh đã có dịp được các chuyên gia tâm lý, cựu học sinh lắng nghe, tư vấn cách nhận diện, thích ứng và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của áp lực trong học tập. Trong không gian gần gũi, cởi mở, nhiều bạn đã mạnh dạn chia sẻ những câu chuyện của chính mình mà thường ngày không có cơ hội hoặc ngại bày tỏ.
Từ đây, các bạn được chuyên gia giải đáp và giải tỏa nhiều áp lực trong lòng. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu đề tài, nhóm còn phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt đầu tuần về những chủ đề xoay quanh tâm lý học đường.
Từ những biểu hiện áp lực đồng trang lứa trong học sinh, nhóm hai bạn trẻ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp và cụ thể hóa giải pháp bằng những cuốn cẩm nang “chữa lành” chia sẻ-giải tỏa áp lực như cuốn “Nhật ký 21 ngày vượt qua tiêu cực;” cẩm nang “Đồng hành cùng con” dành cho phụ huynh học sinh; lập fanpage “Áp đảo-Áp lực” và trang “Confession lắng-radio thấu” trên Facebook với những câu chuyện, bài hát, bài thơ…để hỗ trợ, giúp đỡ các bạn có thể giải tỏa, giãi bày nỗi niềm, chia sẻ những vấn đề xoay quanh cuộc sống.
Giải thích cụ thể về giải pháp trong cuốn “Nhật ký 21 ngày vượt qua tiêu cực,” Phúc cho rằng 21 ngày là một khoảng thời gian lý tưởng để hình thành một thói quen. Trong cuốn cẩm nang, chúng em hướng dẫn các bạn ghi lại nhật ký của mình, mỗi sáng ghi những điều mình mong muốn đạt được, sau đó cuối ngày nhìn nhận lại bản thân để có phương hướng phấn đấu cụ thể.
Quá trình này có sự cộng hưởng của một chút âm nhạc yêu đời sẽ có tác nhân cải thiện và tạo nên những điều tích cực cho các bạn. Tương tự các cuốn cẩm nang dành cho phụ huynh là những trang sách được các sưu tập những cách nuôi dạy con khoa học, những câu nói, châm ngôn, hay những câu chuyện tâm lý dành cho phụ huynh...
Tuổi nào cũng có áp lực, có áp lực mới tạo nên kim cương nên việc vượt qua áp lực là một cách trưởng thành. Do đó, em mong muốn các bạn học sinh có thể thấu hiểu và học cách vượt qua áp lực thay vì trốn tránh áp lực hay có những cảm xúc tiêu cực với áp lực trong học tập.
Cô Huỳnh Diễm Hồng Thư, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, người hướng dẫn Phúc và Nam thực hiện nghiên cứu cho biết đây là một trong 5 dự án đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh Trung học tỉnh năm học 2022-2023. Trong quá trình nghiên cứu, tuy hai em vừa phải học ở trường, học bồi dưỡng các đội tuyển, vừa tham gia rất nhiều cuộc thi, song cả hai đều rất tâm huyết với dự án và quyết tâm thực hiện hoàn thành đến cùng.
“Tôi đánh giá cao ý tưởng, cách tiếp cận vấn đề và làm việc khoa học của hai em. Mỗi em có một thế mạnh riêng, với Nam, ngôn ngữ Anh là lợi thế nên các tài liệu tâm lý, nghiên cứu nước ngoài được em dịch thuật, từ đó có thêm thông tin để nghiên cứu; trong khi đó Phúc là một học sinh có tư duy ngôn ngữ, tình cảm. Phúc đã diễn đạt các ý kiến thu thập được thành các luận chứng rồi từ đó cả hai em lập luận đưa ra những giải pháp thiết thực. Từ sự gợi mở ban đầu của giáo viên hướng dẫn, hai bạn đã nỗ lực tự mày mò, nghiên cứu, tổ chức các hoạt động với mong muốn được góp sức của mình trong việc giải quyết những vấn đề nhức nhối trong học sinh,” cô Huỳnh Diễm Hồng Thư cho hay./.