Hai đối tượng cấu kết đường dây làm lộ đề văn bị xử lý ra sao?

Mỹ Hà| 01/07/2023 17:24

Hai đối tượng tham gia giải, phát tán làm lộ đề thi văn tốt nghiệp THPT 2023 nếu chưa đến mức xử lý hình sự, có thể bị phạt tới 30 triệu đồng.

Liên quan đến vụ lộ đề thi văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. LS Đặng Văn Cường, (Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp) cho biết, theo quy định của pháp luật, khi thông tin đề thi đã được bóc, mở niêm phong, phát cho các thí sinh bài, đề thi này không còn là tài liệu mật thuộc dạng tuyệt mật.

Tuy nhiên, thí sinh chụp ảnh phát tán đề thi ra bên ngoài đã vi phạm quy chế thi còn người tiếp tục phát tán đề thi trên mạng Internet là vi phạm pháp luật.

Hai đối tượng cấu kết đường dây làm lộ đề văn bị xử lý ra sao? - 1

Bản đề văn bị thí sinh chụp gửi ra ngoài trong thời gian đang làm bài thi (Ảnh: MXH).

Theo LS Cường, đối với nữ sinh viên nhận giải đề thi văn sau khi được "tuồn" từ phòng thi ra, đã có hành vi vi phạm, gây ra gian lận trong kỳ thi này.

Nữ sinh này cũng sử dụng mạng viễn thông để truyền thông tin đề thi, đáp án cho thí sinh đang thi.

Đây là hành vi bị cấm theo quy định của luật an ninh mạng, bởi vậy nữ sinh viên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt cao nhất có thể tới 15. 000.000 đồng.

Đối với nam sinh là bạn trai của nữ sinh viên- người tham gia đăng tải lên mạng xã hội, cũng vi phạm pháp luật.

Nam sinh này khi phát hiện ra hành vi gian lận thi cử nhưng không báo với cơ quan chức năng mà còn đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, phát sinh hệ lụy, tiêu cực cho xã hội.

Đồng thời nam sinh này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định số 15/2020/NĐ-CP, do hành vi vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện.

"Theo kết quả xác minh ban đầu, việc lộ đề không ảnh hưởng đến hoạt động của điểm thi này.

Do vậy, hai đối tượng tham gia cấu kết làm lộ đề thi sẽ bị xử lý kỷ luật và bị xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ", LS Cường nói.

Cũng theo LS Cường, ngoài các trường hợp vi phạm được phát hiện trên đây, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ có sự cấu kết giữa thí sinh với những người bên ngoài để thực hiện các hoạt động gian lận thi cử hay không.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng internet để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Với những thông tin bị cấm, thông tin đang ở mức độ bảo mật bị đưa lên mạng internet, người đưa thông tin có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tới 15.000.000 đồng đối với cá nhân và tới 30.000.000 đồng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 2, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ có việc cấu kết, giúp sức của những người có chức vụ quyền hạn để các đối tượng thực hiện hành vi hay không.

Trường hợp có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ gây thiệt hại đến uy tín của ngành giáo dục, của nhà nước, có thể xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.

Đặc biệt đối với các phòng thi xuất hiện các hiện tượng gian lận, cơ quan chức năng cũng phải xem xét trách nhiệm của giám thị coi thi, có tiếp tay dung túng cho hành vi sai phạm hay không.

Nếu giám thị có lỗi, phải xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc có những chế tài nghiêm khắc hơn.

Trường hợp hành vi vi phạm của thí sinh là do tinh vi, đã áp dụng mọi biện pháp mà vẫn không thể ngăn chặn phát hiện thì cũng cần phải rút kinh nghiệm để tăng cường các biện pháp giám sát, ứng dụng công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy chế thi, những hành vi gian lận trong thi cử để đảm bảo các kỳ thi quốc gia diễn ra an toàn, lành mạnh, công bằng đúng quy chế và tuân thủ pháp luật.

Đối với nữ sinh viên tham gia giải đề cho đối tượng phán tán đề thi, đây là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm quy chế thi.

Tuy nhiên kỳ thi này không trực tiếp liên quan đến quá trình học tập của sinh viên trên, không phải kỳ thi của cơ sở đào tạo mà sinh viên này tham gia nên trường đại học đang quản lý sinh viên này sẽ không xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là buộc thôi học.

Nếu sinh viên này gian lận trong các kỳ thi của trường mà mình đang học, thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, có thể là đình chỉ học một năm nhưng hành động của sinh viên này diễn ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp hành vi của nữ sinh viên này được xác định có vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục, gây ra dư luận xấu sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật ở mức độ mà pháp luật có quy định là khiển trách hoặc cảnh cáo, tùy thuộc vào nhận thức và hậu quả cụ thể.

Trước đó, lực lượng chức năng đã xác định được người chụp ảnh đề thi môn ngữ văn chuyển trái phép ra ngoài là thí sinh V.T.H. (SN 2005, ở TP Cao Bằng).

Kết quả điều tra xác định, H. có quen một cô gái tên là H.T.T.T. (SN 2003, ở TP Cao Bằng), hiện là sinh viên một trường đại học tại Hà Nội.

Khoảng 20h ngày 27/6, H. liên lạc với T. trao đổi về việc nhờ hỗ trợ làm bài thi môn ngữ văn và được T. đồng ý.

Sau khi H. gửi đề thi qua mạng cho T., sinh viên này đã giải đề gửi vào nhưng do giám thị làm chặt nên T. không dám sử dụng đáp án.

Tuy nhiên bạn trai của T. là H.N.T. (SN 2002, ở tỉnh Phú Thọ) có tài khoản Facebook của H.T.T.T đã vào đọc tin nhắn trao đổi giữa T. và H. Sau đó H.N.T lưu hình ảnh đề thi môn ngữ văn và đăng tải lên Facebook.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hai đối tượng cấu kết đường dây làm lộ đề văn bị xử lý ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO