Đây là đánh giá của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ vinh danh hai công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Sự kiện do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức.
Hai công trình thuộc lĩnh vực KHCN quân sự được vinh danh do Hội đồng cấp Nhà nước xét và đề nghị trao giải, thuộc nhóm ba công trình được Bộ Quốc phòng xét chọn trong năm 2020. Trong đó, một cụm công trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội của Học viện Chính trị. Hai công trình còn lại thuộc lĩnh vực quân sự đều là nghiên cứu của Viettel với nhóm tác giả là đội ngũ 49 nhà khoa học, cán bộ trẻ, được đào tạo chuyên sâu.
Hai công trình này đã được cấp 10 bằng sáng chế, trong đó 2 bằng sáng chế Mỹ và 8 bằng trong nước, cùng 15 bài báo công bố tại các hội thảo khoa học quốc tế uy tín. Thành công của hai công trình có ảnh hưởng sâu rộng trong giới KHCN thế giới, khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong lĩnh công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng chứng nhận Giải thưởng cho các nhà khoa học đồng tác giả. Chủ tịch nước cũng biểu dương, đánh giá cao kết quả xuất sắc của Tập đoàn Viettel trong việc chủ động nghiên cứu sản xuất các trang thiết bị quân sự công nghệ cao cho Quân độiViệt Nam trong suốt thời gian qua.
"Với sự lãnh đạo quyết liệt của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cùng sự quyết tâm rất cao của cán bộ, kỹ sư tập đoàn Viettel, các nhà khoa học tại tập đoàn đã nỗ lực không mệt mỏi để tự chủ nghiên cứu sản xuất các trang thiết bị quân sự công nghệ cao, phục vụ quân đội, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.
Theo Chủ tịch nước, thành công của Viettel cũng đã mở ra một hướng mới trong việc phát triển quân sự quốc phòng. Đó là phải huy động nguồn lực doanh nghiệp để tự chủ về nghiên cứu sản xuất, cũng như làm chủ các công nghệ cốt lõi trong nghiên cứu KHCN quân sự.
Viettel cần làm chủ công nghệ lõi, tự chủ trong nghiên cứu sản xuất
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự ghi nhận đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân đối với những nỗ lực cống hiến thầm lặng của các nhà khoa học đã tận tâm, tận lực kiên trì nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thư viện, thậm chí nơi đầu sóng ngọn gió để có được thành tựu nổi bật. Những kết quả này đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà biết bao thế hệ cha anh phải đánh đổi xương máu mới giành được.
Chủ tịch nước cũng phân tích, trong bối cảnh biến động của tình hình thế giới, việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển KHCN quân sự lên tầm cao mới, góp phần nâng cao chất lượng tổng lực sức mạnh chiến đấu, trực tiếp nâng cao hiệu quả bảo đảm và dự trữ vũ khí cho quân đội là vấn đề quan trọng, cấp thiết.
"Chúng ta xác định KHCN là nền tảng xây dựng quân đội hiện đại, những thành tựu tiên tiến nhất phải được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Đồng thời, những thành tựu KHCN quân sự cũng phải được ứng dụng hiệu quả trong vấn đề phát triển kinh tế", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Với tinh thần trên, Chủ tịch nước đã đề nghị các cấp, các ngành, bao gồm cả Viettel phải thực hiện tốt nhiệm vụ từng bước tự chủ phát triển KHCN, từ nghiên cứu, thiết kế, đến sản xuất để phát triển các sản phẩm khoa học quân sự quốc phòng nói chung, các loại vũ khí trang thiết bị nói riêng phù hợp với địa hình, điều kiện tác chiến của quân đội nước ta. Ngoài việc phát huy kết quả đạt được, cùng với việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Tập đoàn Viettel cần có chiến lược phát triển KHCN quân sự theo hướng vững chắc, làm chủ công nghệ cốt lõi, tự chủ trong nghiên cứu sản xuất, từng bước hỗ trợ hình thành hệ thống công nghiệp quốc phòng trong nước.
"Viettel cũng cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các chính sách với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, bao gồm cả việc thu hút nhân tài, đối tác mạnh ở trong khu vực và thế giới", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Hiền Minh