Trẻ ngủ đủ giấc không chỉ nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh, mà còn thúc đẩy sự phát triển trí não, cải thiện trí thông minh. Nghiên cứu cho thấy trẻ ngủ nhiều và trẻ ngủ ít có sự khác biệt rất lớn khi lớn lên, đặc biệt là về phát triển trí não.
Một người mẹ đang sinh sống tại Thâm Quyến (Trung Quốc) cho biết, từ ngày gia đình chào đón cặp sinh đôi một trai, một gái rất hạnh phúc. Nhưng những rắc rối kéo theo sau đó khiến vợ chồng chị cũng "đau đầu" không kém. Trong khi người chị luôn được khen ngợi ngoan hiền, thì cậu em nghịch ngợm hơn, nhất là khi vào tiểu học, việc kỷ luật cậu bé càng trở nên khó khăn hơn.
Cậu bé trai thường không thích đi ngủ sớm, ngay cả khi mẹ kể chuyện cậu bé vẫn luôn lơ đãng, luôn ngắt lời mẹ và cũng dễ mất bình tĩnh. Vì vậy, việc cho con trai đi ngủ sớm vào ban đêm đã trở thành nỗi đau đầu lớn nhất của mẹ này. Thành tích học tập của cậu bé cũng thường xuyên xếp hạng kém ở trường.
Nhiều cặp sinh đôi có thói quen sinh hoạt, tính cách khác nhau.
Ngược lại, cô chị luôn lọt vào top ba trong mọi kỳ thi ở trường. Điều này khiến nhiều người nhận ra rằng “Gien giống nhau mà sao lại có sự khác biệt lớn như vậy?”
Thành tích của hai anh em sinh đôi đã trở thành chủ đề bàn luận. Người mẹ đã tìm đến chuyên gia, trao đổi về vấn đề tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy giữa hai đứa trẻ cùng một mẹ nuôi dưỡng.
Sau khi nghe rõ chi tiết về tính cách, sở thích và thói quen sinh hoạt của cặp song sinh, các chuyên gia đưa ra nhận định, mấu chốt của vấn đề có thể xuất phát từ thói quen ngủ.
Có thể thấy, người chị thường xuyên ngủ sớm, ngủ đủ giấc, trong khi đó cậu em trai thức khuya trong thời gian dài. Việc trẻ ngủ nhiều và ngủ ít vô tình tạo ra sự chênh lệch lớn trong quá trình phát triển trí não, tính cách...
Khác biệt về phát triển trí não giữa trẻ ngủ nhiều (đủ giấc) và ngủ ít?
Trường Cao đẳng Y tế (Trung Quốc) đã tiến hành một cuộc khảo sát về điều kiện giấc ngủ của hàng trăm cặp song sinh. Kết quả cho thấy sau khi điều chỉnh giấc ngủ ở mức hợp lý, ở những trẻ sinh đôi,trẻ ngủ nhiều có trí thông minh cao và phát triển trí não tốt hơn những trẻ ngủ ít.
Feinberg, một nhà khoa học về giấc ngủ, cũng đã thực hiện rất nhiều công trình nghiên cứu. Ông theo dõi nhóm trẻ từ 6-8 tuổi, trong 12 năm. Ông thực hiện ghi điện não đồ cho những đứa trẻ này cứ sau 6-10 tháng.
Tổng cộng 3.500 đêm và 320.000 giờ điện não đồ khi ngủ mô tả một kết luận: Giấc ngủ NREM sâu có thể giúp não bước vào tuổi trưởng thành. Nói cách khác, giấc ngủ là chìa khóa để thúc đẩy sự trưởng thành của não.
Khi đến tiểu học, thành tích cũng có sự khác biệt.
Trẻ ngủ nhiều có trí nhớ tốt hơn
Nhìn lại câu chuyện của cặp song sinh ở trên, khi bước vào tiểu học, người chị gái có trí nhớ tốt và thành tích học tập tốt, nên khiến bố mẹ yên tâm. Nhiều giáo viên còn thường xuyên khen ngợi: “Cô bé có trí nhớ rất tốt”.
Trên thực tế, trí nhớ tốt của trẻ có liên quan mật thiết đến thời gian ngủ hợp lý. Giả sử hai đứa trẻ có cùng chỉ số IQ được yêu cầu ghi nhớ cùng một phần nội dung. Khi đó, những đứa trẻ học và ghi nhớ sau khi ngủ sẽ có điểm số cao hơn những đứa trẻ thức và tiếp tục học.
Trẻ ngủ nhiều có tính cách tích cực
Xét về tính cách, người chị gái cũng hiền lànhm ôn hòa hơn, trong khi đó cậu em trai dễ mất bình tĩnh và có khả năng tự chủ cảm xúc kém.
Các nhà khoa học Anh và Ý đã phát hiện ra rằng, tính cách con người có liên quan mật thiết đến cấu trúc não bộ. Hình dạng và kích thước của các vùng khác nhau trong não ảnh hưởng đến tính cách của một người. Nói một cách đơn giản, trí não của trẻ càng phát triển tốt thì nhân cách sẽ càng tích cực.
Muốn con ngủ ngon, bố mẹ nên làm 2 điều
Duy trì môi trường ngủ tốt
Môi trường rất quan trọng để đảm bảo trẻ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ và có một giấc ngủ ngon. Để đạt được điều này, bố mẹ cần đảm bảo rằng trẻ không bị làm phiền bởi tiếng ồn xung quanh. Tiếng ồn có thể gây khó chịu, làm mất tập trung, gây gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Ngoài ra, việc duy trì một không gian ngủ trong lành cũng là yếu tố quan trọng. Đảm bảo không khí trong phòng ngủ của trẻ luôn tươi mát và có độ ẩm thích hợp, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình ngủ.
Không gian quá khô có thể gây khô mũi, họng và da của trẻ, cảm giác khó chịu và khó ngủ. Tương tự, không gian quá ẩm ướt có thể tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây kích ứng và khó thở cho trẻ.
Điều quan trọng khác cần lưu ý là sự cân bằng giữa nhiệt độ trong phòng ngủ của trẻ. Trẻ cần được ngủ trong một môi trường thoải mái, không quá lạnh cũng không quá nóng.
Nếu phòng ngủ quá lạnh, trẻ có thể cảm thấy khó chịu và không thể thư giãn để vào giấc ngủ. Ngược lại, nhiệt độ quá nóng cũng có thể làm trẻ đổ mồ hôi nhiều.
Môi trường rất quan trọng để đảm bảo trẻ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ và có một giấc ngủ ngon.
Giúp trẻ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ: Đọc sách, kể chuyện, hát ru...
Bố mẹ nên tìm hiểu một số phương pháp giúp trẻ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Một trong những cách hiệu quả là kể câu chuyện trước khi đi ngủ, tương tự như câu chuyện về người mẹ trong ví dụ trên.
Thời gian này, trẻ không chỉ được thưởng thức những câu chuyện thú vị mà còn có thể áp dụng tiềm thức để ghi nhớ. Qua việc lắng nghe và tưởng tượng, trẻ học được kiến thức, kích thích trí tưởng tượng và phát triển ngôn ngữ. Điều này giúp trẻ thư giãn và thoải mái, cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt.
Mẹ nên chọn những câu chuyện ngắn có cốt truyện rõ ràng và nhịp độ nhanh. Những câu chuyện như vậy thường phù hợp với nhận thức của trẻ, tăng tập trung tốt hơn.
Ngoài việc kể chuyện, bố mẹ cũng có thể áp dụng những phương pháp khác như đọc sách, hoặc sử dụng nhạc ru để giúp trẻ thư giãn và chuẩn bị cho giấc ngủ. Quan trọng nhất là tạo ra một môi trường yên tĩnh, thoải mái để trẻ chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên và dễ dàng hơn.
Theo Thời báo văn học nghệ thuật