Hạ viện Mỹ thông qua dự luật có thể ‘cấm cửa’ TikTok

14/03/2024 09:21

Ngày 13/3, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật bắt buộc TikTok phải “thoát ly” khỏi công ty mẹ ByteDance (trụ sở Trung Quốc) nếu muốn tiếp tục hoạt động tại đây.

Theo quy trình, dự luật sẽ tiếp tục được chuyển lên Thượng viện xem xét thảo luận trước khi trình tổng thống ký duyệt thành luật. Tuần trước, Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ phê duyệt dự luật này nếu được lưỡng viện thông qua.

Cuộc bỏ phiếu của Hạ viện là kết quả từ sức ép của một số nhà lập pháp tin rằng ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok do lo ngại gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể truy cập và khai thác thông tin người dùng tại Mỹ, dẫn đến những rủi ro an ninh quốc gia.

stk051 tiktokban cvirginia a.jpg
Thượng viện Mỹ sẽ tiếp tục xem xét và thảo luận về nội dung dự luật, trước khi trình lên tổng thống ký ban hành luật (nếu đạt đủ số phiếu thông qua)

Cũng trong tuần trước, Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ tán thành tuyệt đối (50-0) thông qua dự luật, sau khi tham dự một cuộc họp tình báo về rủi ro của các ứng dụng nước ngoài tạo ra.

Về phía TikTok, họ liên tục khẳng định không lưu trữ thông tin người dùng Mỹ tại các máy chủ đặt ở Trung Quốc và đang tiến hành kế hoạch bảo vệ dữ liệu này chặt chẽ hơn. Song, như vậy là chưa đủ để xoá tan đi những nghi ngờ.

Trong trường hợp dự luật được ký thành luật, các cửa hàng ứng dụng và website lưu trữ sẽ dính án phạt nếu để TikTok lưu hành, trừ khi công ty này không còn thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc.

Dự luật vừa được Hạ viện thông qua có tên ByteDance, nhưng có phạm vi áp dụng với tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của các công ty có trụ sở chính tại những quốc gia đối thủ.

Người dùng TikTok, các tổ chức như Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) và cựu Tổng thống Donald Trump nằm trong nhóm phản đối dự luật này. Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho rằng dự luật được thông qua chỉ có lợi cho Meta (Facebook).

Các nỗ lực cấm TikTok nóng lên từ tháng Ba năm ngoái, khi CEO Shou Zi Chew lần đầu tiên điều trần tại Hạ viện. Cũng trong năm 2023, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đã đề xuất dự luật "Hạn chế" nhằm cho phép Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ cấm những ứng dụng tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, dự luật về một lệnh cấm toàn diện đã không đi được lên Thượng viện do chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ từ phía TikTok, cũng như lo ngại của Đảng Cộng hoà về việc trao quá nhiều quyền lực của nhánh hành pháp đối với lĩnh vực tư nhân.

Việc đề xuất lệnh cấm nền tảng chia sẻ video ngắn vào thời điểm hiện tại được cho là khá nhạy cảm, khi các ứng cử viên chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2024 bao gồm cả Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, đang sử dụng ứng dụng này để truyền tải thông điệp tới các cử tri trẻ tuổi.

Vào năm 2020, chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm hoặc buộc các công ty Trung Quốc phải thoái vốn khỏi các ứng dụng (trong đó có TikTok) nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Song, những nỗ lực đó đã gặp phải những rào cản pháp lý và bị thu hồi sau khi ông Biden nhậm chức.

Bài liên quan
  • Sức hút của Idol Tiktok Cua Baby được nhiều người yêu mến
    Một trong những Hot Idol Live nhận được nhiều sự quan tâm, yên mến từ cộng đồng TikTok là cô nàng Idol Live sở hữu trang cá nhân có hơn 100k người theo dõi. Cua Baby (tên thật là Nguyễn Thị Kiều Trinh) hoạt động trên nền tảng TikTok với vai trò Live Creator có ID: becuaaaaa3979.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật có thể ‘cấm cửa’ TikTok
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO