Gần 3 tháng nay, tuyến đường trục thôn cựu chiến binh dài 1,9km nối QL8C và tỉnh lộ 17 (đoạn qua thôn Mỹ Trung, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) được triển khai thi công.
Do thi công mở rộng nền đường và cống thoát nước, van xả đáy của đường ống cấp nước chính (đoạn gần QL8C) bị bung ra, khiến nhiều hộ dân ở 2 thôn Mỹ Lâm và Mỹ Trung mất nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn.
Tuyến đường qua thôn Mỹ Trung đang thi công khiến ống cấp nước sạch bị hỏng, người dân phải đi mua nước đóng bình về sử dụng. |
Ông Phạm Đăng Lam (69 tuổi, thôn Mỹ Trung) cho biết: “Chúng tôi là những hộ dân sử dụng nước sạch từ những ngày đầu. nhiều gia đình đã bỏ giếng khoan. Nay không có nước sạch để sử dụng, chúng tôi phải mua nước lọc về dùng, còn tắm rửa thì phải đi nhờ”.
Cũng theo ông Lam, chiều chiều, nhiều hộ dân phải dùng xe bò, mang theo can nhựa, xô chậu, chai lọ đến những nhà có giếng xin nước về dùng; nếu tình trạng này kéo dài thì rất nguy hiểm.
Chị Lan (chủ quán tạp hoá Lan Nga) phản ánh, hai tuần nay mất nước sạch, gia đình chị phải mua nước lọc về dùng với chi phí gần 30.000 đồng/ngày. Trong khi đó, giá nước sạch là 4.400 đồng/m3, cả tháng chỉ hết khoảng 100.000 đồng.
“Bên bộ phận kỹ thuật có đến kiểm tra nhưng không biết tại sao lại không khắc phục. Mừng là có con đường, nhưng để mất nước lâu quá thì tội dân. Mỗi ngày chúng tôi phải mua 2 bình nước lọc (gần 40 lít - PV) để đun nấu, ăn uống,... Còn việc tắm giặt thì phải về nhờ bên nhà ngoại cách chừng 1 cây số ở thôn Mỹ Lâm”, chị Lan cho hay.
Ông Phan Khắc Ngợi (xóm 9, thôn Mỹ Trung) bên đường ống đang nằm chơ vơ bên vệ đường của gia đình. |
Chỉ vào đường ống nước của gia đình đang nằm chơ vơ bên đường, ông Phan Khắc Ngợi (72 tuổi, xóm 9 thôn Mỹ Trung) nói: “Mặc dù mương thoát nước đi qua trước nhà đã thi công xong, nhưng do cuối tuyến bị hỏng nên nhà tôi vẫn chưa có nước sạch, may mà có giếng khoan nên phải sử dụng tạm.
Con gái tôi nấu ăn cho đơn vị thi công, nếu không có giếng khoan nếu không thì cũng gay, lấy đâu ra nước mà dùng”.
Trao đổi với PV Infonet về tình trạng này, anh Thông, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Hải Đăng (đơn vị trực tiếp thi công tuyến đường) cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến mất nước sạch là do quá trình thi công đường làm van xả cặn bị tuột ra. Mặc dù đã đấu nối lại nhưng sau đó lại bật ra tiếp. Khi phản ánh với Trung tâm nước sạch thì họ yêu cầu cẩu ống lên chờ phương án xử lý nên chậm mất mấy ngày”.
“Đáng ra khi triển khai thi công tuyến đường, UBND xã Cẩm Mỹ phải bàn giao mặt bằng sạch cho chúng tôi. Đằng này mặt bằng không giải phóng cho nên làm ở đâu vướng ở đấy”, anh Thông phàn nàn.
Việc mở rộng nền đường và cống thoát nước khiến đường ống bị hụt gây bung điểm nối. |
Mặc dù đã được xử lý nhưng điểm nối bị hư hỏng nhiều lần khiến gần 2 tuần qua người dân không có nước sạch để dùng. |
Cũng theo anh Thông, mặc dù đã có nhiều cuộc làm việc với đầy đủ các bên tham gia và thống nhất là phía trung tâm nước sạch sẽ cử cán bộ để xử lý, đơn vị thi công sẽ hỗ trợ máy. Tuy nhiên, về vấn đề kinh phí thì trung tâm không chịu, xã Cẩm Mỹ cũng không chịu, hai bên đổ lỗi cho nhau, cuối cùng nhà thầu phải bỏ tiền ra để làm.
Đề cập đến khoản kinh phí khắc phục này, ông Trương Xuân Bính, Giám đốc Công ty Hải Đăng thông tin: “Nếu khoảng 10 triệu trở lại thì đơn vị thi công sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để làm. Vừa rồi giải phóng mặt bằng, chúng tôi cũng bỏ mấy chục triệu để hỗ trợ xi măng cho người dân”.
Về phía Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh - chủ đầu tư công trình cấp nước, ông Hồ Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Khi thi công đường ống này, chủ đầu tư đã làm rất kỹ và được sự nhất trí của địa phương và các thôn xóm. Có biên bản ký và thống nhất khi thi công xong hạng mục nào thì địa phương phải có trách nhiệm quản lý và bảo vệ tài sản đó. Nếu có di dời hoặc thi công công trình khác làm ảnh hưởng đến đường ống này thì địa phương phải bỏ kinh phí ra để xử lý.
Biên bản ghi rõ trách nhiệm của UBND xã Cẩm Mỹ phải chịu kinh phí để di dời đường ống đến vị trí an toàn nếu cần thiết phải thi công công trình nằm trong hành lang bảo vệ an toàn của đường ống. |
Theo ông Hoài, trong vụ việc này, không nên đổ lỗi tại ai cả, việc làm đường là để phục vụ người dân, mà cấp nước cũng để phục vụ người dân. Ban quản lý (chủ đầu tư dự án đường trục thôn - PV) đã giao cho địa phương chịu trách nhiệm về kinh phí để di dời, Trung tâm phụ trách về mặt kỹ thuật, còn nhà thầu thì hỗ trợ máy móc thiết bị để đào đường ống lên.
''Giờ không nói trách nhiệm của ai. Vấn đề là phải có phương án khắc phục để cấp nước cho người dân”, ông Hoài nhấn mạnh.
Khi PV liên hệ với địa phương để tìm hiểu về vấn đề này, ông Hà Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ thông tin, đây là dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư, địa phương chịu trách nhiệm trong giải phóng mặt bằng và phối hợp triển khai. Về giải phóng mặt bằng có 2 loại hình, đó là hạ tầng của dân và hạ tầng tài sản của tổ chức, doanh nghiệp.
Toàn tuyến có 68 hộ dân, địa phương đã giải phóng mặt bằng xong và bàn giao cho đơn vị thi công đường, kể cả tường rào, ki-ốt hàng quán, cây cối; còn đường ống là tài sản của doanh nghiệp để kinh doanh, chính quyền địa phương chỉ đứng ra làm trung gian.
“Giai đoạn đầu phối hợp khá nhịp nhàng, có hư hỏng vài điểm nhưng được khắc phục khá nhanh. Sau này hai bên phối hợp không nhịp nhàng, dẫn đến việc không anh nào chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã nhiều lần làm văn bản gửi trung tâm nước sạch, báo cáo lãnh đạo huyện, chủ đầu tư, thì gần đây mới khắc phục xong”, ông Hùng cho hay.
“Về mặt phối hợp để đừng hư hỏng, quá trình thi công, cách khắc phục như thế nào, làm sao để đảm bảo về mặt kỹ thuật thì hai bên phải chịu trách nhiệm, mà đặc biệt là trung tâm nước sạch phải chịu trách nhiệm về việc này vì là tài sản của mình”, Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ chốt lại.
Công trình nước sạch tiền tỷ 'đắp chiếu', dân phải dùng nước giếng nhiễm phèn
Công trình được đầu tư xây dựng hơn 5 tỷ đồng từ năm 2014, hoàn thiện đã hơn 4 năm nhưng không được đưa vào sử dụng, trong khi người dân vẫn phải dùng nước giếng nhiễm phèn.
Trần Hoàn