Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm từ 579 đơn vị xuống còn 509 đơn vị, giảm 70 đơn vị.
Tuy nhiên, 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này mà sẽ thực hiện trong Đề án xây dựng huyện lên quận trong thời gian tới.
Do vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị.
Theo báo cáo Thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố đã đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của thành ủy và phù hợp với thực tiễn địa phương.
Ban Pháp chế yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong hệ thống chính trị thành phố, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp, tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố.
Đồng thời, Ban đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng quận, huyện, thị xã tạo điều kiện cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, chuyển đổi các giấy tờ cho cá nhân, tổ chức.
Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Đinh Trường Thọ (quận Đống Đa) đề nghị các địa phương quan tâm đến công tác tuyên truyền đến cán bộ, người dân địa phương sắp xếp, bảo đảm sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Ông cũng nêu quan điểm các sở, ngành, thành phố cần có hướng dẫn, quy định cụ thể để có cơ chế thông thoáng, thuận lợi nhất để thực hiện chủ trương này, nhất là chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư.
Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết trên.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị sau khi Nghị quyết được thông qua, UBND TP tập trung, khẩn trương hoàn thiện đề án, gửi Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ, đảm bảo chất lượng, tiến độ, theo quy định.
Tên gọi mới của các phường, xã ở Hà Nội sau sáp nhập
Cũng tại kỳ họp sáng nay, HĐND TP Hà Nội xem xét, quyết nghị một số cơ chế, chính sách khác, trong đó thông qua Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trên địa bàn thành phố.
Từ ngày 15/5 đến hết năm 2024, công dân sinh sống tại Hà Nội thực hiện yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí. Thành phố ước tính tổng kinh phí hỗ trợ là gần 10 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách thành phố.