Tại kỳ họp chuyên đề sáng 22/9, với đa số đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội thông qua tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận.
Thay mặt UBND thành phố trình bày tờ trình đề án, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết về phương án thành lập quận và 16 phường thuộc quận trên cơ sở sáp nhập 22 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, địa phương đã hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận. Việc lên quận được kỳ vọng giúp hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ, nhất là công trình hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa.
Ngoài ra, 16 phường dự kiến được thành lập trên cơ sở sáp nhập 22 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn hiện nay. Trong đó, một số xã không đạt chỉ tiêu về diện tích tự nhiên và dân số để thành lập phường theo quy định nên phải sáp nhập.
Cụ thể, UBND huyện Gia Lâm đề xuất sáp nhập thị trấn Yên Viên với xã Yên Viên thành phường Yên Viên. Xã Kim Lan nhập với xã Văn Đức, đổi tên thành phường Kim Đức.
Xã Đình Xuyên được đề xuất sáp nhập với xã Dương Hà, thành phường Thiên Đức, lấy theo tên dòng sông chảy qua hai xã. Xã Phù Đổng sáp nhập với xã Trung Màu và giữ tên phường Phù Đổng vì gắn với truyền thuyết Thánh Gióng.
Xã Kim Sơn sáp nhập với xã Phú Thị, ghép thành phường Phú Sơn. Xã Đông Dư nhập với xã Bát Tràng, lấy tên là phường Bát Tràng vì là tên gọi có trong sử sách và thương hiệu gốm nổi tiếng.
Ngoài ra, 4 phường được thành lập trên cơ sở 4 xã, thị trấn có sự điều chỉnh địa giới hành chính bao gồm: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá.
Như vậy, sau khi thành lập, quận Gia Lâm sẽ có diện tích tự nhiên là 116,64km2 và quy mô dân số hơn 300.000 người. Bao gồm 16 phường trực thuộc: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.
Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình trên, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Hoàng Thị Thúy Hằng cho biết ban thống nhất chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho huyện có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư.
Việc thành lập quận Gia Lâm có thể giúp địa phương tiếp tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khai thác tốt hơn tiềm năng của các xã, thị trấn, nâng cao hơn nữa đời sống người dân...
Dù vậy, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội yêu cầu UBND thành phố làm rõ về kế hoạch, tiến độ, thời gian cụ thể đối với từng nhiệm vụ công việc sau khi đã được thông qua chủ trương, nhằm hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Báo cáo giải trình thêm, UBND TP Hà Nội cho biết sau khi có Quyết định của Bộ Xây dựng công nhận khu vực dự kiến thành lập quận, các phường thuộc quận, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ, đề án trình Chính phủ dự kiến trong tháng 3/2024.
Trước đó ngày 4/7, HĐND Hà Nội thông qua đề án thành lập quận Đông Anh với diện tích tự nhiên hơn 185km2, quy mô dân số hơn 400.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có sẽ lên phường.
Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có 3-5 huyện đủ điều kiện để thành quận. Trước mắt trong năm 2023, Hà Nội đầu tư nguồn lực và hoàn thiện các tiêu chí để đưa Đông Anh và Gia Lâm lên quận.