Nhiều năm qua, xóm trọ dưới chân cầu Long Biên (nằm sau lưng chợ hoa quả Long Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi cư ngụ của hơn 30 hộ dân. Người sống ở đây đến từ nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, công việc chủ yếu là bốc vác tại chợ Long Biên, bán hàng rong.
Mặc dù phòng trọ ẩm thấp, xập xệ, nằm sát mép nước sông Hồng, nhưng do giá thuê thấp lại gần chợ Long Biên nên hầu hết các phòng đều có người ở.
Một tuần trước, lũ trên sông Hồng dâng cao kỷ lục lên sát báo động 3 (tiệm cận mức 11,5m) khiến phần lớn xóm trọ chìm trong biển nước, nhiều phòng trọ ngập sâu hơn 2m buộc người dân phải sơ tán đến nơi an toàn.
3 ngày qua, khi nước sông Hồng rút, xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên dần hiện ra. Song khung cảnh trước mắt khiến nhiều người không khỏi xót xa, khi xóm trọ vốn đã xập xệ nay trở thành tan hoang.
Nước lũ rút để lại bùn đất, rác thải và đồ đạc hư hỏng chất thành đống trải dài khắp các lối đi khu trọ. Người dân sau những ngày sơ tán dần trở về, dọn dẹp đống đổ nát để ổn định cuộc sống.
"Công việc mưu sinh hàng ngày đã vất vả nay phải dọn dẹp chỗ ở tan hoang này càng vất vả, cực nhọc hơn", ông Hùng (quê Hải Dương) thở dài khi dọn đống rác thải chất cao hơn 1m trước của phòng trọ.
Mặc dù nước sông Hồng đã rút hơn 3 ngày nhưng cuộc sống của bà Phạm Thị Lĩnh vẫn chưa trở lại bình thường. Bà Lĩnh gắn bó với xóm trọ nghèo chân cầu Long Biên đã hơn 10 năm, chưa bao giờ bà chứng kiến cảnh nước lũ sông Hồng dâng cao như thời gian qua.
"Nước lũ lên nhanh quá, mọi người không kịp trở tay. Đồ đạc trong nhà từ quần áo, đồ điện tử đã thu dọn để trên gác xép nhưng vẫn không tránh bị ngập nước", bà Lĩnh buồn rầu chia sẻ.
Cuộc sống ngày thường đã khó khăn, vất vả nay lại phải thu dọn những đồ đạc có giá trị trong nhà bỏ đi vì ngấm nước, hư hỏng càng khiến bà Lĩnh tiếc nuối, buồn bã.
Đồ đạc trong căn phòng trọ rộng chừng 15m2 đều ngập trong nước lũ. Thứ quý giá nhất trong phòng trọ là 2 bộ máy tính của con bà Lĩnh cũng bị ngập nước, hư hỏng.
"Mấy năm trước các con được phường tài trợ 2 bộ máy tính để học online nhưng đều bị ngập nước hỏng hết. Mấy đứa quý 2 bộ máy tính như vàng, lúc nào cũng lau chùi sạch sẽ. Lúc lũ dâng cao, mấy mẹ con cố gắng dọn dẹp đặt lên gác nhưng vẫn bị ngập nước", bà Lĩnh buồn rầu tâm sự.
Mấy ngày nay Hà Nội có nắng, bà Lĩnh tranh thủ vừa dọn dẹp, vừa đem sách vở của con ra phơi với hi vọng vớt vát được những cuốn lành lặn.
Căn phòng trọ của bà Trần Thị Ba (77 tuổi) trước đây đã xập xệ nay càng tồi tàn hơn. Những ngày nước lũ sông Hồng dâng cao, cả căn phòng trọ của bà Ba chìm trong nước. Mái hiên của phòng trọ được bà Ba chằng chống tạm bợ bằng cột gỗ. Khi lũ kéo về đã cuốn bay cột gỗ khiến mái hiên sập xuống trước cửa.
Mấy ngày qua, mẹ con bà Ba dọn dẹp nhà phải chui qua ô cửa hẹp để ra, vào.
"Ở đây mùa hè thì nóng hầm hập, mùa đông lạnh thấu xương, nay lại thêm mùa lũ nữa khổ quá", bà Ba than thở.
Căn phòng trọ của mẹ con bà Ba rộng chừng 10m2, đủ kê một chiếc giường, trên tường nhà vẫn còn hiện rõ vệt nước cao quá đầu người.
"Đồ đạc trong phòng chẳng có gì giá trị nhưng nước ngập làm mọi thứ hỏng, mấy bộ quần áo cũ giặt mãi cũng không hết bùn đất", bà Ba tâm sự.
Một mình sống trong xóm trọ nghèo nên ngay khi có thông tin nước sông Hồng dâng cao, bà Bình được chính quyền sơ tán đến nơi an toàn. Do sơ tán gấp, bà không kịp thu dọn đồ đạc trong phòng. Hơn bốn ngày đi tránh lũ, khi trở về phòng trọ bà vô cùng bất ngờ, buồn rầu và tiếc nuối vì mọi thứ trong phòng đều không còn dùng được nữa.
"Quay trở lại thì đồ đạc trong nhà ngập hết, nhiều thứ phải bỏ đi", bà Bình buồn bã kể lại.
Nước lũ dâng cao, chảy xiết đã cuốn trôi nhiều tấm ván, mái tôn khiến nhiều phòng trọ trở nên "lộ thiên".
Bà Thắm gom từng tấm gỗ ép được hàng xóm cho để bịt lại những lỗ hổng trên vách căn phòng trọ của mình.
Nước dâng cao ngập tới mái nhà làm hư hỏng toàn bộ đồng hồ điện ở xóm trọ. Hàng loạt đồng hồ mới đang thay thế, điện vẫn chưa được cấp lại.
Sau khi nước rút, người dân xóm trọ nghèo chân cầu Long Biên phải sống trong những căn phòng ẩm mốc, không điện, không nước,... thiếu thốn trăm bề.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của những người đang sống trong xóm trọ nghèo, vào các buổi trưa, các nhà hảo tâm thường mang cơm suất, đồ ăn đến để hỗ trợ người dân nơi đây.