Bớt gánh nặng từ COVID-19
Từ sau Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao và dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, những ngày qua, số ca liên tục giảm chỉ còn dưới 10.000 ca mắc/ngày. Cụ thể, ngày 28.3, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 9.328 ca COVID-19, đây cũng là ngày có số ca thấp nhất tính từ ngày 25.2 tới nay. Theo nhận định của Sở Y tế, thành phố đã bước qua đỉnh dịch.
Về công tác tiêm chủng, theo báo cáo của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện 84,2% người từ 18 tuổi đã được tiêm mũi 3 nhắc lại, ngoài ra gần 100% người cần tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 bổ sung đã được tiêm.
Các chuyên gia y tế cho rằng, khi Hà Nội đã qua đỉnh dịch, chúng ta cũng đã có nhiều hiểu biết về cơ chế lây lan, phác đồ điều trị… Vì vậy, sự sợ hãi quá mức là điều không cần thiết. Trên thực tế, ngày 17.3, Chính phủ đã có Nghị quyết số 38/NQ-CP về chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó có nội dung nghiên cứu, đánh giá, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm).
Khi COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, có rất nhiều chính sách về y tế, an sinh xã hội thay đổi. Cụ thể, người bệnh COVID-19 không được Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí điều trị nữa, mà người dân phải trả tiền hoặc hưởng Bảo hiểm y tế như khám chữa bệnh thông thường.
Bên cạnh đó, chính sách về cách ly, khai báo y tế cũng phải thay đổi. Người dân phải cách ly, nhưng không phải bắt buộc cách ly cộng đồng như nhóm A, nhưng có khuyến cáo cách ly. Nếu COVID-19 là nhóm B, người dân có thể không phải khai báo y tế nữa. Các chính sách phải xây dựng sao cho phù hợp vì COVID-19 có quá nhiều tính chất đặc thù và phức tạp.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, đến thời điểm này COVID-19 không nên xem là đại dịch nữa mà xem như một bệnh chuyên khoa. Khác với cúm nên xem COVID-19 là một bệnh thông thường của một bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, chúng ta không nên đếm ca mắc COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Bởi đa số trường hợp người dân ở nhà, tự test nhanh dương tính rồi điều trị nên không thống kê được. Người có bệnh tự mua thuốc chữa, hết 7 ngày cách ly test âm tính thì tự động đi làm. Còn có một bộ phận người lao động F0 không triệu chứng vì vấn đề “cơm áo gạo tiền” không khai báo tình trạng bệnh để tiếp tục mưu sinh.
Được biệt, việc tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu là vô cùng quan trọng với đời sống xã hội. Người dân cần được trở lại cuộc sống bình thường, ít nhất, không còn cảnh xếp hàng dài chờ giấy chứng nhận F0, liên tục phải cách ly. Học sinh cũng không đi học vài ngày, có ca nhiễm lại phải nghỉ, kéo theo cha mẹ nghỉ làm chăm sóc con.
Đã đến lúc cần có cách tiếp cận khác với COVID-19
Một số ý kiến cho rằng, cần thay đổi và linh hoạt hơn trong việc thực hiện nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) được Bộ Y tế đề ra từ tháng 8.2021. Cụ thể là cần thay đổi khuyến cáo việc "không tụ tập". "khai báo" hoặc "khoảng cách" trong bối cảnh hiện nay.
Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn) nêu rõ, trong khoảng một tuần vừa rồi, chúng ta thấy các con số đi xuống, có nghĩa rằng chúng ta đã vượt qua đỉnh dịch. Chúng ta có thể thay đổi những các biện pháp phòng chống dịch mang tính chất y tế công cộng.
"Điều quan trọng là ‘5K’ cần thiết phải thay đổi đối với toàn xã hội và cả cá nhân. 5K vẫn còn giá trị chừng mực nào đó nhưng nếu áp dụng nguyên 5K bây giờ thì theo tôi không còn phù hợp nữa" - bác sĩ Trần Văn Phúc nhận định.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM nêu quan điểm cần sớm đưa COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A để phù hợp với tình hình thực tế và ổn định đời sống - xã hội, phát triển kinh tế.
Bởi nếu COVID-19 được đưa về bệnh nhiễm nhóm B, cơ quan chuyên môn sẽ tập trung đối tượng nguy cơ. Nói như vậy để thấy thái độ, cách ứng xử của mọi người đối với căn bệnh này, đến giờ chỉ coi nó là bệnh cúm mùa có khả năng truyền nhiễm cao, chứ không còn sợ sệt thái quá như trước.
Cũng theo chuyên gia y tế, COVID-19 sẽ còn kéo dài với nhiều biến thể mới, hết Omicron sẽ tới Omicron1, 2... Vì vậy, cần xác định ứng xử phù hợp, chung sống với dịch, chớ nên coi nó là "ngáo ộp" để bị ám thị, co mình lại khiến cuộc sống, xã hội bị tê liệt, đình đốn.
3 tuần vừa qua, Hà Nội đã dừng công bố cấp độ dịch COVID-19. Giới hạn 21h đóng cửa đã được Hà Nội "cởi bỏ" cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống để trở lại hoạt động bình thường. Từ ngày 18.3, quận Hoàn Kiếm cũng mở lại các không gian phố đi bộ trên địa bàn.
Tuy nhiên, các "ngành nghề đặc biệt" như karaoke, vũ trường, massage vẫn "án binh bất động". Hiện thành phố vẫn chưa cho phép các dịch vụ kinh doanh có điều kiện này hoạt động trở lại. Nhiều chủ quán karaoke vô cùng sốt ruột bày tỏ mong muốn sớm được mở cửa để mau chóng có doanh thu, bù đắp những thiệt hại suốt 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ cơ sở karaoke Smile (Cầu Giấy) chia sẻ, khoảng 18 tháng ngừng hoạt động, chỉ tính riêng chi phí mặt bằng cũng tốn hơn tỉ đồng. Không hoạt động thì lấy đâu ra tiền, bản thân ông phải đi vay để bù vào. Nếu tình trạng này còn kéo dài thêm nữa thì khả năng là phá sản.
Theo ông Hải, về cơ bản chúng ta sống chung với dịch, hầu hết ngành nghề đã quay trở lại hoạt động bình thường. Bản thân ông rất mong được mở lại dịch vụ karaoke, bù đắp lại thiệt hại về kinh tế.
Một chủ quán karaoke khác cho rằng, những nơi tụ tập đông người như nhà hàng ăn uống, sân vận động… đều đã được mở cửa. Ấy vậy mà đến giờ dịch vụ karaoke vẫn chưa được hoạt động. Do vậy, cần có sự xem xét, thay đổi cho phù hợp với thực tế.