Hà Nội loay hoay giải bài toán ùn tắc nút giao Ngã Tư Sở

09/01/2023 11:06

Sau hai lần điều chỉnh không thành công, từ hôm nay, Sở GTVT Hà Nội lại thực hiện thí điểm phương án phân luồng giao thông mới tại nút giao Ngã Tư Sở - đường Láng.

Được đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng (cầu vượt, hầm, đường trên cao) và nhiều lần điều chỉnh phương án tổ chức giao thông nhưng nút giao Ngã Tư Sở vẫn là 'điểm đen' ùn tắc trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong danh sách hơn 30 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, nút giao Ngã Tư Sở - Láng - Trường Chinh luôn là điểm nóng gây bức xúc nhất cho người tham gia giao thông Thủ đô.

Vào giờ cao điểm hay bất cứ khung giờ nào khác trong ngày, những ngả đường hướng về nút giao Ngã Tư Sở - Láng - Trường Chinh luôn trong tình trạng ngộp thở vì mật độ phương tiện quá cao.

Đầu cầu vượt Ngã Tư Sở hướng vào nội thành, sáng nào trong tuần, ô tô, xe máy cũng bị ùn tắc kéo dài hàng trăm mét trên đường Nguyễn Trãi. Để vượt qua được nút giao này, nhiều người điều khiển xe máy phải lao lên vỉa hè.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Trường Chinh và đường Láng, gần nửa năm qua, ngành giao thông Hà Nội đã bịt các lối đi thẳng dưới gầm cầu hướng từ đường Nguyễn Trãi và Tây Sơn ra vào nội thành.

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông các tuyến đường đi qua nút giao Ngã Tư Sở không được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Đặc biệt, trên đoạn đường Trường Chinh hướng về Ngã Tư Sở, người điều khiển ô tô, xe máy luôn phải giành nhau từng chỗ trống để thoát cảnh ùn tắc.

Trong 3 năm qua, ngành GTVT đã 3 lần thay đổi phương án phân luồng giao thông ở Ngã Tư Sở. Ảnh: Đình Hiếu

Trước tình trạng trên và cũng để đồng bộ với việc thông xe đường Vành đai 2 trên cao, từ ngày 9/1, Sở GTVT Hà Nội thí điểm phân luồng giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở - đường Láng.

Theo phương án của Sở GTVT, các phương tiện bị cấm rẽ trái trên đường Láng đi đường Tây Sơn. Cụ thể, phương tiện phải đi thẳng từ đường Láng sang đường Trường Chinh mới được quay ra đường Tây Sơn.

Các phương tiện cũng bị cấm rẽ trái dưới gầm cầu Ngã Tư Sở theo hướng từ Trường Chinh đi Nguyễn Trãi. Phương tiện từ đường Nguyễn Trãi đến nút dưới gầm cầu phải rẽ phải liên tục về Trường Chinh và quay đầu tại điểm mở trên đường Trường Chinh…

Thực tế, trong những năm qua, ngành giao thông Hà Nội đã nhiều lần đưa ra các phương án phân luồng phương tiện nhằm giải bài toán ùn tắc cho nút giao Ngã Tư Sở nhưng bất thành.

Vào tháng 6/2022, Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông ở nút giao Ngã Tư Sở trong gần 1 tháng. Theo đó, các phương tiện bị cấm rẽ trái dưới gầm cầu Ngã Tư Sở mà phải rẽ phải ra các tuyến đường Trường Chinh hay Láng rồi vòng ngược lại. Với phương án này, các tuyến đường hướng về Ngã Tư Sở vẫn ùn tắc.

Trước đó, tháng 11/2020, sau khi Hà Nội thông xe tuyến đường Vành đai 2 trên cao, tình trạng ùn tắc trên đường Trường Chinh hướng về Ngã Tư Sở vẫn diễn ra thường xuyên. Điểm đầu xuống đường Vành đai 2 trên cao phía Ngã Tư Sở suốt 3 năm qua trở thành nỗi khổ của nhiều người. Thời điểm đó, Sở GTVT cũng đưa ra phương án chức lại giao thông ở Ngã Tư Sở.

Như vậy, chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây, ngành GTVT Hà Nội có đến 3 lần tổ chức lại giao thông ở nút giao Ngã Tư Sở. Thực tế cho thấy, tình trạng ùn tắc ở nút giao này không giảm sau mỗi lần điều chỉnh hướng đi của các phương tiện.

Theo PGS.TS. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT, việc tổ chức giao thông ở TP Hà Nội hiện nay thường mang tính cục bộ, chỉ tập trung vào các điểm đen ùn tắc, mà chưa có giải pháp căn cơ cho cả một khu vực.

Do vậy, dù ngành GTVT Hà Nội có đưa ra nhiều giải pháp phân luồng khác nhau cho nút giao Ngã Tư Sở thì tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do dòng phương tiện không được phân luồng từ xa, vẫn đổ dồn lên các tuyến đường hướng về Ngã Tư Sở.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội loay hoay giải bài toán ùn tắc nút giao Ngã Tư Sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO