UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm và phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo đó, thành phố yêu cầu đơn vị chức năng phấn đấu để ít nhất 60% tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn được kiểm tra ít nhất một lần. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện phức tạp về tệ nạn xã hội, Hà Nội yêu cầu tổ chức tái kiểm tra để phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm.
Căn cứ chỉ tiêu UBND TP giao, UBND cấp huyện giao đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, xã tổ chức kiểm tra ít nhất 2.400 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
Đối tượng kiểm tra là cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, vũ trường, quán bar, karaoke, massage, xoa bóp, cà phê đèn mờ... đang hoạt động kinh doanh tại các quận, huyện, thị xã.
Trong đó, các đơn vị sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm; an ninh, trật tự; văn hóa, du lịch, y tế; sử dụng lao động; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và các quy định của pháp luật có liên quan tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Ngoài kiểm tra theo chỉ tiêu, lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có tính chất phức tạp do đơn vị, địa phương đề xuất hoặc đơn thư tố giác, phản ánh của người dân.
Đồng thời, các lực lượng tăng cường kiểm tra tại khách sạn, loại hình kinh doanh dịch vụ massage, bar rượu mạnh, karaoke... nghi có hoạt động mại dâm và tổ chức kích dục trá hình trên địa bàn.
Theo chỉ tiêu giao cho các quận huyện, Hoàn Kiếm và Cầu Giấy là hai quận có số cơ sở được kiểm tra nhiều nhất với lần lượt là 728 và 494 cơ sở.
UBND TP Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; cũng như hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Việc kiểm tra nhằm nắm bắt, tổng hợp tình hình chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm và đề xuất giải pháp phòng, chống mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.
Hoạt động kiểm tra đảm bảo đồng bộ, hạn chế việc kiểm tra chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức.