'Hà Nội không nên dành tiền xây những con đường đắt nhất hành tinh'

Hoài Thu| 27/11/2023 14:53

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội nên phát triển các mô hình đô thị TOD trong khu vực nội đô, thay vì dành tiền xây các con đường "đắt nhất hành tinh".

Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sáng 27/11, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh với vai trò là thủ đô của cả nước, Hà Nội phải phát triển ở trình độ cao hơn với lộ trình phát triển nhanh hơn, đi trước cả nước.

3 mục tiêu Luật Thủ đô cần hướng đến, theo ông Cường, là phải đặt ra yêu cầu phát triển thủ đô cao hơn, nhanh hơn cả nước; có cơ chế thực sự vượt trội để khai thác các tiềm năng, thế mạnh nội tại của thủ đô và tạo sức hút mạnh mẽ nguồn lực từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, cần quy định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền và nhân dân thủ đô cao hơn cả nước.

Phát triển mô hình thành phố trong thủ đô

Góp ý về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô, ông Cường cho rằng quy hoạch Hà Nội phải tạo không gian để quy tụ những đặc trưng tiêu biểu của mọi vùng miền và hình ảnh của 63 tỉnh thành trên cả nước hiện diện tại thủ đô.

"Phải quy định việc quản lý, phát triển toàn bộ không gian lãnh thổ thủ đô theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị đặc biệt, gồm đô thị trung tâm, vùng nông thôn và đô thị ngoài trung tâm", ông Cường nêu quan điểm.

Hà Nội không nên dành tiền xây những con đường đắt nhất hành tinh - 1

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Ảnh: Phạm Thắng).

Vị đại biểu cho rằng toàn bộ vùng nông thôn và đô thị ngoài trung tâm đều phải được quy hoạch và quản lý theo tiêu chuẩn riêng của thủ đô - đó chính là mô hình thành phố trong thủ đô.

Do vậy, cần Luật hóa mô hình phát triển thủ đô gồm: Đô thị trung tâm và các thành phố thuộc thủ đô. Trong thành phố thuộc thủ đô, không gian phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp trải nghiệm phải có các công trình dịch vụ du lịch; không gian phát triển công nghiệp làng nghề phải gắn liền với phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ...

Với yêu cầu này, ông Cường cho rằng việc luật trao quyền cho thành phố trong điều chỉnh cục bộ các nội dung quy hoạch sẽ không sợ lạm quyền hay làm phá vỡ quy hoạch.

Nhận định nhiệm vụ và khối việc công việc mà chính quyền thành phố phải thực hiện nhiều hơn, trách nhiệm giám sát phải cao hơn, do vậy, theo ông Cường, cần có mô hình chính quyền đô thị như trong dự thảo luật.

Theo đó, người đứng đầu các cấp chính quyền đô thị phải có vai trò và quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cao hơn; số lượng đại biểu HĐND phải nhiều hơn, tăng tỷ lệ chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp…

Đặc biệt, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh quan điểm "Hà Nội không nên dành tiền xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh".

Hà Nội không nên dành tiền xây những con đường đắt nhất hành tinh - 2

Đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục từng được mệnh danh là "con đường đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội (Ảnh: Phạm Thắng).

Thay vào đó, theo ông, thành phố nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô; phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những khu đô thị mới, mà cả với khu vực tái thiết đô thị, cải tạo các khu chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực trung tâm.

Khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ; không gian trên cao cho phát triển diện tích ở tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các hoạt động công cộng… cũng là định hướng được vị đại biểu Hà Nội gợi ý.

Cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị nén

Về phương thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) không theo phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng như trước đây, ông Cường cũng nêu quan điểm cụ thể.

Với dự án BT thanh toán bằng tiền vốn đầu tư công, ông Cường giải thích đây thực chất là việc Nhà nước dùng ngân sách mua công trình hoặc sản phẩm quan trọng theo đơn đặt hàng của Nhà nước.

Hà Nội không nên dành tiền xây những con đường đắt nhất hành tinh - 3

Đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được khai thác vào cuối năm 2023 (Ảnh: Quân Đỗ).

"Với phương thức này, chúng ta kỳ vọng sẽ mở đường cho ra đời tập đoàn công nghiệp đường sắt đô thị trong nước, thay cho các dự án đường sắt phải thuê nước ngoài làm như hiện nay; những cây cầu vượt sông Hồng sẽ nhanh chóng được xây dựng và hoàn thành, không mất thời gian kéo dài như các dự án đầu tư công", theo lời ông Cường.

Với dự án BT thanh toán bằng nguồn lực đất đai hoặc giá trị tài sản công, được thực hiện thông qua cơ chế đấu giá theo nguyên tắc thị trường, trao đổi ngang giá, ông Cường nhìn nhận đây cũng chính là cơ chế lựa chọn được nhà đầu tư có phương án khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.

Ngoài ra, ông Cường nhấn mạnh cần quy định để lại toàn bộ tiền sử dụng đất cho Thành phố có ngân sách xây dựng hạ tầng, tạo mặt bằng và không gian hỗ trợ cho các trường đại học, bệnh viện và các cơ quan dịch chuyển sang cơ sở mới.

Định hướng này sẽ giúp giảm tải cho đô thị trung tâm thay cho việc chờ ngân sách trung ương đầu tư để thành phố chủ động di dời một cách đồng bộ.

Hà Nội không nên dành tiền xây những con đường đắt nhất hành tinh - 4

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Ảnh: Phạm Thắng).

Chung góc nhìn, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhận định việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị nén, góp phần giảm tắc đường.

"Việc này cũng tránh cho người dân, doanh nghiệp của thủ đô bị thiệt hại từ nguyên nhân tắc đường với mức khoảng 23.300-27.900 tỷ đồng/năm", nữ đại biểu nói.

Theo bà, TOD chính là hướng đi để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.

Tuy nhiên, bà Vang lo ngại với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi xung đột lợi ích giữa hàng loạt mối quan hệ và lợi ích của nhiều bên, nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại. Vì thế, bà lưu ý cần có sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh việc này.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Hà Nội không nên dành tiền xây những con đường đắt nhất hành tinh'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO