Hà Nội: Hơn 600 hộ dân gần 20 năm sống khổ vì quy hoạch treo

20/09/2022 10:35

Gần 20 năm nay ở phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội), hàng trăm hộ dân đang phải sống trong cảnh nhà cửa dột nát, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí họ phải đi thuê nhà trọ ở tạm vì dự án công viên hồ điều hoà Hạ Đình đến nay vẫn nằm bất động trên giấy.

Xem thêm: Sống trong ô nhiễm ở TPHCM: Nhà thủng không muốn sửa, đi ngủ phải xoa dầu

Hà Nội: Hơn 600 hộ dân gần 20 năm sống khổ vì quy hoạch treo
Ngôi nhà của gia đình ông bà Đỗ Huy Bảo đã xuống cấp, nhiều hạng mục công trình phụ đã xập xệ nghiêm trọng nhưng không được phép sửa chữa, xây dựng. Ảnh: Lan Nhi

Khó khăn chồng chất

Sống trong quy hoạch treo đã nhiều năm nay, ông Đỗ Huy Bảo (số nhà 89/460, phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân) vẫn đang mòn mỏi chờ đợi ngày gia đình ông được sửa sang nhà cửa, cấp phép xây dựng trên đất giãn dân hợp pháp được TP.Hà Nội cấp từ năm 1993.

Có tiếng là sống giữa trung tâm Thủ đô nhưng ngôi nhà của ông Bảo ở thời điểm hiện tại chẳng khác gì khu ổ chuột, các công trình phụ, hạng mục đã xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Đỗ Huy Bảo buồn rầu liệt kê những gia đình trên phố bị ảnh bởi quy hoạch treo khi nhà cũ nát không được sửa sang, đất giãn dân nhưng chưa được cấp sổ đỏ, có hộ dân dù có đất cũng không được phép xây dựng mà phải đi thuê trọ, sống cùng với con cái. Cả gia đình ông Bảo hiện tại chỉ còn biết trông chờ vào số tiền trợ cấp mất sức 1,4 triệu đồng/tháng của bà Phạm Thị Bé và công việc bán hàng nước, trà đá sống qua ngày.

Rơi vào hoàn cảnh éo le hơn, gia đình ông Nguyễn Tiến Giầu (số nhà 88/192, phố Hạ Đình) dù mua đất giãn dân hợp pháp nhưng hơn 20 năm nay cũng không được phép sửa sang nhà cửa vì khu đất đang nằm trong quy hoạch treo.

Ông Giầu bày tỏ thắc mắc không hiểu vì sao từ năm 2002, khi làm quy hoạch khu công viên hồ Hạ Đình, UBND Quận Thanh Xuân và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội lại báo cáo rằng đã nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra hiện trạng và xác định khu vực chỉ là đất trống, ao hồ, khiến toàn bộ khu dân cư nằm trong khu giãn dân đã bị quy hoạch thành đất công viên.

“Hơn 20 năm nay, quy hoạch khu công viên hồ điều hòa Hạ Đình vẫn chưa được triển khai, hoàn thiện khiến nhiều người dân như chúng tôi ở đây rất bức xúc khi phải sống trong cảnh nhà cửa nhếch nhác, tạm bợ. Vì tuổi đã cao, là thương binh trong khi nhà cửa xuống cấp mà không được phép sửa chữa nên tôi buộc phải sang ở nhờ nhà con cái dưới huyện Thanh Trì chứ không còn biết làm cách nào khác” - ông Vũ Quý Kiệm (phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân) bày tỏ.

Nên cân nhắc, điều chỉnh quy hoạch treo 

Ngay từ năm 2011, nhận thấy bất cập của quy hoạch này, UBND phường Hạ Đình và UBND quận Thanh Xuân (TP.Hà Nội) đã có văn bản báo cáo Sở quy hoạch kiến trúc và UBND TP.Hà Nội về thực trạng khu đất cũng như việc người dân không đồng thuận với quy hoạch và cho rằng, nếu thực hiện thì chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân sẽ là một con số khổng lồ.

Đến thời điểm này, dự án mới chỉ triển khai xong hạng mục hồ điều hòa, còn phần công viên cây xanh thì không triển khai được. Vì thực tế, khu đất quy hoạch này đang chồng lấn, trùm lên 649 thửa đất, trong đó 520 thửa đất người dân đã xây nhà và sinh sống ổn định từ trước năm 2000.

Đặc biệt, trong đợt lấy ý kiến người dân về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, phường Hạ Đình cũng như quận Thanh Xuân đã có đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch Công viên hồ điều hòa Hạ Đình sao cho phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế.

Liên quan tới việc dự án treo đã hơn 20 năm chưa được hoàn thiện, theo Luật Xây dựng, người dân có quyền xin giấy phép xây dựng tạm, sửa chữa nhà cửa dột nát nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa cho phép, thực thi theo Luật.

Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Đình Đảm - Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - cho biết, quy hoạch công viên hồ điều hoà Hạ Đình đã đình trệ nhiều năm nay khiến cho đời sống của hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Đảm, mặc dù người dân tại đây đã được TP.Hà Nội cấp đất giãn dân một cách hợp pháp nhưng đến giờ vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng và sửa chữa nhà cửa theo đúng quyền lợi. Tổ dân phố cũng đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng, phản ánh với các cơ quan chức năng nhưng đến nay sự việc vẫn rối như tơ vò và chưa được giải quyết triệt để.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hơn 600 hộ dân gần 20 năm sống khổ vì quy hoạch treo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO