Hà Nội giãn cách 15 ngày, không giao hàng, không khám bệnh thông thường

MINH AN (t/h)| 24/07/2021 11:49

Nhiều người dân Thủ đô thắc mắc việc đến bệnh viện khám bệnh thông thường và cấp cứu khi Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong Chỉ thị 16 nêu rõ, dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng, vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”).

Vậy người dân có thể đến bệnh viện khám bệnh thông thường?

Theo ông Khổng Minh Tuấn, PGĐ CDC Hà Nội thì mấu chốt của việc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố là để mầm bệnh không phát tán, không lan rộng trong cộng đồng.

kham-benh.jpg
Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 “khám bệnh thông thường” cũng “không đi viện mà chỉ đến viện với những trường hợp đi cấp cứu”.

Đối với quy định trong Chỉ thị 16, mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh… ông Tuấn cho biết “khám bệnh thông thường” cũng “không đi viện mà chỉ đến viện với những trường hợp đi cấp cứu”.

Người dân có thể đặt đồ qua mạng và các shipper có thể mang đến ?

Theo thông tin từ ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, theo chỉ đạo của TP, trước mắt, shipper (người giao hàng) trên địa bàn thành phố sẽ bị tạm dừng hoạt động.

Lý do theo ông Viện đưa ra là hiện nay chưa thể kiểm soát được lực lượng người giao hàng này, do đó, nếu chẳng may mắc bệnh, các trường hợp này đi lại "lung tung, gieo rắc dịch bệnh" sẽ rất nguy hiểm.

giao-hang1.jpg
Hà Nội cấm các shipper hoạt động

Hiện nay, thành phố vẫn tổ chức hoạt động, kinh doanh đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu nên trước mắt, nếu cần thiết, người dân sẽ tự đi mua về sử dụng nên không bị động trong tình huống này.

Đồng thời, theo ông Viện, trong quá trình thực hiện Chỉ thị mới, nếu có các vấn đề phát sinh, Sở sẽ theo dõi và tổng hợp, báo cáo, tham mưu cho UBND TP để có chỉ đạo cụ thể, kịp thời để đáp ứng tình hình cụ thể.

Điều này có nghĩa là người dân sẽ không thể mua đồ ăn sẵn từ các cửa hàng, kể cả là mua mang về. Tức là, trong vòng 15 ngày tới kể từ 24/7, người dân Hà Nội không thể gọi ship đồ ăn đã chế biến sẵn và mang đến nhà.

Ở một diễn biến khác, theo ông Khổng Minh Tuấn, PGĐ CDC Hà Nội cho biết, Chỉ thị 16 quy định rất rõ là “ai ở đâu, ở nguyên đấy” duy nhất chỉ có các lực lượng có chức năng, nhiệm vụ phòng chống dịch mới được ra đường. Do đó, các shipper đều phải dừng hoạt động.

Hiện nay, Sở Công thương TP Hà Nội thông tin, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%- 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).

Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 Trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Theo Kênh 14, Afamily, Infonet

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội giãn cách 15 ngày, không giao hàng, không khám bệnh thông thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO