Từ 8h sáng 15/9, Công an phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phối hợp với lực lượng tự quản và tổ dân phố ra quân, dựng barie rào chắn lối vào phố cà phê đường tàu từ số 5 Trần Phú đến Phùng Hưng.
Lực lượng chức năng chia làm 4 ca, trực từ 7h sáng đến 11h đêm mỗi ngày. Lực lượng chức năng giải thích kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách tạm thời không đến phố cà phê đường tàu trong thời gian đợi biện pháp giải quyết giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông cho hay ngay tối 14/9, lực lượng chức năng đã rà soát, vận động người dân và du khách không tập trung đông đúc tại phố cà phê đường tàu.
"Chúng tôi ghi nhận 15 cơ sở kinh doanh mô hình cà phê đường tàu trên địa bàn. Trong số này, chỉ 4 cơ sở đảm bảo đúng quy định và giấy phép kinh doanh, sẽ có phương án hoạt động trong thời gian tới. 11 điểm còn lại đều đã phải đóng cửa", ông Linh nói.
Trực tiếp có mặt tại phố đường tàu sáng 15/9, ông Đinh Bá Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm, phường đã họp, lên phương án giải quyết vấn đề vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt tại xóm đường tàu.
"Từ dịp lễ 2/9, người dân và du khách tập trung đông đúc tại khu phố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, buộc chính quyền địa phương lên phương án đảm bảo an ninh trật tự", ông Hưng nói.
Bà Nguyễn Mai Anh, 67 tuổi, chủ hộ kinh doanh, nói rằng biện pháp rào chắn lối vào đường tàu dân sinh là không hợp lý, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, đi lại và công việc của người lao động.
Theo bà Anh, từ khi mô hình cà phê đường tàu ra đời (năm 2017), đến nay chưa ghi nhận sự cố hay tai nạn. Các hộ kinh doanh đã ký cam kết tuân thủ hoạt động kinh doanh trong phạm vi tối thiểu cách 1,5m tính từ đường ray vào nhà, nhằm đảm bảo an toàn tối đa.
"Chúng tôi thiết lập hệ thống thông báo tàu đi từ ga, sử dụng còi và loa tay, nhắc nhở từng du khách 10 phút trước khi tàu đến", bà Mai Anh phân trần.
Trước nguy cơ bị tước giấy phép hoạt động kinh doanh, người phụ nữ bày tỏ nuối tiếc và kiến nghị ngành đường sắt cùng các bên liên quan nghiên cứu giải pháp thỏa đáng hơn.
"Chúng tôi không có việc làm, chỉ dựa vào quán cà phê để mưu sinh. Nếu bây giờ đóng cửa, chúng tôi biết sống bằng gì?", bà Mai Anh nói.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, chủ một quán cà phê khác, cho biết những năm trở lại đây, xóm cà phê đường tàu được xem là địa điểm thu hút khách du lịch của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
"Giữa hàng ngàn lựa chọn, khách quốc tế vẫn ưu ái xóm cà phê đường tàu, thử trải nghiệm cảm giác mạnh - một sản phẩm du lịch giá trị và độc đáo", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Theo anh, sau dịch Covid-19, tần suất tàu đi qua khu phố đã giảm bớt. Mỗi ngày trong tuần chỉ có một chuyến vào khoảng 21h, riêng thứ 7 và chủ nhật có 4-5 chuyến/mỗi ngày.
"Tàu di chuyển chậm, đi qua khu phố chỉ từ 2-3 phút. Tất cả hộ kinh doanh đều đã xây dựng hệ thống an toàn như kẻ vạch sơn, lắp barie và dây sắt chặn lối đi trước cửa tránh du khách vượt vào đường ray", anh nói.
Là du khách từ Cần Thơ lần đầu đến phố đường tàu Hà Nội, chị Nguyễn Thị Mộng Cầm, 35 tuổi, trầm trồ trước vẻ đẹp "độc nhất vô nhị" của những dãy cà phê cạnh đường ray tàu hỏa.
"Khung cảnh đẹp, không khí trong lành, nhưng rất tiếc khu phố phải tạm dừng hoạt động", nữ du khách cho hay.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 14/9, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định quận sẽ không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào.
"100% cơ sở kinh doanh đều vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt, trong những ngày tới, chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh, đình chỉ có hiệu lực", ông Quân nói.
Trước đó, ngày 12/9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu năm 2018 khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua.
Sau đó, các hàng quán bày bàn ghế bán nước cho khách du lịch trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Hồi đầu tháng 5, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đã có văn bản gửi các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên Phủ đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng người dân bày bán hàng, du khách trong nước và nước ngoài quay phim chụp ảnh tại đây.