Hà Nội có 4 quận huyện ở “vùng cam”, nơi nào nhiều ca mắc COVID-19 nhất?

Phạm Đông| 24/01/2022 07:50

Hà Nội - Với trung bình gần 3.000 ca mắc COVID-19/ngày trong gần 20 ngày liên tiếp, thành phố đã có 2 quận trên 8.000 ca mắc là Hoàng Mai và Đống Đa.

Ngày 24.1, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 22.1 đến 18h ngày 23.1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.971 ca COVID-19. Trong đó, quận Hoàng Mai là địa bàn ghi nhận nhiều ca mắc nhất.

Cụ thể, 2.971 bệnh nhân mới phân bố tại 412 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày, như: Hoàng Mai (105), Chương Mỹ (101), Gia Lâm (91), Bắc Từ Liêm (87), Đống Đa (82).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29.4.2021 đến nay) là 111.777 ca .

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 22.1, trên địa bàn thành phố có 67.833 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly.

Từ ngày 6.1 đến nay, thành phố liên tiếp ghi nhận trên 2.700 ca mắc COVID-19/ngày, nhiều ngày ghi nhận trên 2.900 F0.

Số ca mắc cộng dồn từ ngày 11.10.2021, Hà Nội có 13 quận, huyện ghi nhận ghi nhận 4.000 ca mắc gồm: Hoàng Mai (8.877), Đống Đa (8.534), Nam Từ Liêm (6.179), Hai Bà Trưng (5.758), Thanh Trì (5.665), Gia Lâm (5.514), Long Biên (5.065), Hà Đông (4.696), Ba Đình (4.995), Bắc Từ Liêm (4.875), Thanh Xuân (4.784), Đông Anh (4.612), Hoàn Kiếm (4.174).

Trong chu kỳ báo cáo, các xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh gồm: Gia Lâm (Phù Đổng 20, Yên Thường 19), Hoàng Mai (Thanh Trì 29), Nam Từ Liêm (Tây Mỗ 20), Đông Anh (Kim Chung 16), Thanh Xuân (Khương Trung 18).

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 68.560 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (142), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.497), cơ sở thu dung điều trị thành phố (878), cơ sở thu dung quận, huyện (5.222), theo dõi cách ly tại nhà (58.598).

Trong ngày 23.1, có 2 bệnh nhân chuyển tầng tại cơ sở thu dung; số ca tử vong trong ngày là 17 trường hợp, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29.4 đến nay là 469 người.

Trong ngày toàn thành phố tiêm được 65.383 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là 14.370.635 mũi tiêm; 238.406 mũi bổ sung và 2.038.545 mũi vaccine nhắc lại.

Hiện tại, các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Ngày 24.1, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, dự kiến đầu tuần này, bệnh viện này sẽ khai trương phòng khám hậu COVID-19. Bệnh viện chuẩn bị 3 khoa Tim mạch, Hô hấp và Thần kinh để điều trị nội trú bệnh nhân hậu COVID-19, mỗi khoa dự kiến có 10 giường.

Theo ông Nguyễn Văn Thường, sau khi khỏi 10 ngày, bệnh nhân có thể đi khám lại, kiểm tra các chức năng hô hấp, tim mạch, đông máu, thận. Thực tế, qua điều trị, có những bệnh nhân (nhất là các F0 nặng) khỏi COVID-19 dễ nhồi máu cơ tim liên quan đến vấn đề rối loạn đông máu. Thậm chí, nhiều người trẻ tuổi, không bệnh nền, khi đang điều trị COVID-19 ở nhà (do mắc ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng) cảm thấy khỏe khoắn, bệnh diễn tiến nhẹ nhàng, chỉ 7-10 ngày dương tính sẽ âm tính trở lại.

Tuy nhiên, sau 2 tuần âm tính, họ lại có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, tức ngực, stress, mồ hôi trộm, ho kéo dài, chóng mặt, thay đổi vị giác, khứu giác… Nhiều người tự đánh giá, sức khỏe sau khi khỏi bệnh giảm sút 20-30% so với thời kỳ dương tính hoặc trước đó. Chính vì vậy, việc quan tâm, chăm sóc hậu COVID-19 là vấn đề lớn hiện nay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội có 4 quận huyện ở “vùng cam”, nơi nào nhiều ca mắc COVID-19 nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO