Hà Nội: Chặt cây đa để tu sửa đình Chèm là sai quy định

Minh Tuệ| 28/03/2022 23:18

Theo Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội, địa phương chặt hạ cây đa nhiều năm tuổi ở đình Chèm nhưng không xin phép cấp có thẩm quyền là sai quy định.

Ngày 28/3, đại diện Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao (VH&TT) Hà Nội cho biết, qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện việc chặt hạ cây đa cũng như một số hạng mục tu sửa đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có sai phạm, không đúng quy định.

Cụ thể, việc chặt hạ cây đa nhiều năm tuổi nằm gần nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của đình Chèm mà không xin phép cấp có thẩm quyền; cũng không ai cho phép chặt hạ cây trong khuôn viên khu di tích.

Ngoài ra, việc tu sửa, di chuyển cổng phụ sai quy định. Việc này thể hiện ở chỗ không có trong hồ sơ báo cáo các cấp phê duyệt năm 2020.

Báo cáo kết qủa thanh tra cũng chỉ ra việc tu sửa bậc thềm sai. "Thông thường khi tu bổ cấp thiết, ít khi sửa đến bậc thềm. Việc sửa bậc thềm lật đá lên cũng không tuân thủ quy trình, không bảo quản tốt. Đáng ra phải đánh số từng viên ở vị trí nào, phải xếp đúng sau lắp đặt đúng hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, tại đây, đá xếp chồng lên không theo thứ tự, như thế không hợp lý, không khoa học trong tu bổ di tích", đại diện Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội thông tin.

Hà Nội: Chặt cây đa để tu sửa đình Chèm là sai quy định - 1

Cây đa bị chặt hạ còn trơ gốc

Cũng theo Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội, với những sai phạm trên, UBND quận Bắc Từ Liêm sẽ bị xử phạt theo Nghị định, quy định vi phạm trong lĩnh vực văn hoá của Chính phủ.

"Trong nay mai, Sở VH&TT Hà Nội sẽ ban hành văn bản thông báo tình hình xác định có vi phạm liên quan đến chặt hạ cây đa, tu sửa tại đình Chèm và giao cho UBND quận Bắc Từ Liêm có hướng xử lý, khắc phục, đồng thời thông tin đến báo chí theo thẩm quyền. Hiện theo phân cấp của thành phố, thẩm quyền này thuộc về trách nhiệm của UBND quận Bắc Từ Liêm. 

Việc phê duyệt dự án, cấp tiền tu bổ cấp thiết cho di tích do Chủ tịch UBND quận phê duyệt. Những việc thi công mà không đúng quyết định phê duyệt, không đúng hồ sơ báo cáo với Sở là sai. Khi sai phải có hướng khắc phục, xử lý và báo cáo với Sở VH&TT thành phố, Cục Di sản Văn hóa...", đại diện Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội nói thêm.

Trước đó, thông tin cây đa gần đình Chèm bị chặt khi ngôi đình 2000 năm tuổi này được tu sửa khiến nhiều người bức xúc. Cây đa này được trồng khoảng năm 1996-1998, thuộc loại cây đa đỏ.

Trả lời PV VTC News, Trưởng ban khánh tiết đình Chèm, ông Nguyễn Mạnh Thìn, cho hay, cây đa này phát triển tốt nhưng về phong thuỷ không đạt, án ngữ trước cửa đình. Lối thoát nước của đình ra sông Hồng đi qua gốc cây đa. Hằng năm, cây đa bị nghiêng từ 5-10cm, do đó, khi làm dự án tu sửa đình, đã đề nghị cắt bỏ cây.

Ông Thìn cho hay, việc chặt bỏ cây đa cũng nằm trong mong muốn trả lại không gian xưa cho đình Chèm.

"Kinh phí dự kiến của dự án vào khoảng hơn 10 tỷ, trong đó có nguồn kinh phí xã hội hóa khoảng 1-2 tỷ, còn lại của quận và thành phố. Dự kiến sẽ hoàn thành xong trong tháng 4 tới đây”, ông Thìn cho biết thêm.

Lãnh đạo UBND phường Thụy Phương cũng cho hay, việc chặt hạ cây đa không nằm trong dự án, còn dự án tu bổ đình Chèm liên quan đến một số hạng mục xuống cấp phải tu sửa nếu không sẽ ảnh hưởng tới kết cấu công trình.

"Dự án triển khai thực hiện đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chúng tôi đang làm báo cáo và làm việc với các bên có liên quan về việc này", lãnh đạo UBND phường Thụy Phương thông tin.

Minh Tuệ

Theo vtc.vn
https://vtc.vn//ha-noi-chat-cay-da-de-tu-sua-dinh-chem-la-sai-quy-dinh-ar668397.html
Copy Link
https://vtc.vn//ha-noi-chat-cay-da-de-tu-sua-dinh-chem-la-sai-quy-dinh-ar668397.html
Bài liên quan
  • Exhibitions in Hà Nội downtown celebrate Heritage Day
    This year marks the 19th anniversary of the Việt Nam Cultural Heritage Day since its inception in 2005, aiming to promote the traditions and sense of responsibility among those working to protect and promote the value of Việt Nam's cultural heritage.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Chặt cây đa để tu sửa đình Chèm là sai quy định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO