Cầu Long Biên gần đây xảy ra không ít sự cố. Ngày 28/5, tấm đan tại vị trí dầm D1/10 phần đường dành cho xe máy và xe đạp phía thượng lưu hướng quận Hoàn Kiếm đã bị rơi. Trước đó (ngày 4/5), phần đường dành cho người đi bộ cũng bị gãy, rơi một tấm đan xuống sông.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí, người dân vẫn vô tư đi lại trên cầu Long Biên vào đầu giờ sáng và đi bộ hóng mát vào chiều tối, bất chấp biển cấm. Đáng nói, nhiều người đã đi xe máy lên các tấm đan sát thành cầu gây nguy hiểm.
Theo đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên), xe máy đi lên gây nguy hiểm vì làm gẫy tấm đan. Phía công ty đang phối hợp với UBND các phường trên địa bàn để cắt lối đi, thậm chí rào lại nhưng vẫn không ngăn được.
"Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp ngăn xe máy đi lên và tháo lối đi, nhưng dân lại kê gạch, ngói lên để đi", đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho hay.
Sau các sự cố trên, ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT cho biết, nguồn vốn đã được bố trí trong năm nay để sửa chữa phần đường bộ bao gồm cả phần đường bộ cho xe đạp, xe máy và lối cho người đi bộ.
Đồng thời yêu cầu Công ty CP Đường sắt Hà Hải có giải pháp ngay, ví dụ mua tấm thép dự phòng để kịp thời kê lên những vị trí nguy hiểm trong khi chờ khắc phục, sửa chữa.
Về tình trạng người dân họp chợ trên cầu, dù đã có biển cấm người đi bộ gây mất ATGT, lực lượng CSGT Hà Nội đã ra quân nhắc nhở, xử lý nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn. Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải Nguyễn Quốc Vượng cho biết, để xử lý tình trạng bất cập này, lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa và có hình thức xử phạt thật nghiêm để răn đe mới có thể giải quyết triệt để.
"Việc cấm người bộ lên cầu được đơn vị duy tu cầu lý giải là do các tấm đan ở phần đường dành cho người đi bộ giờ đã xuống cấp, nếu tụ tập đông người chụp ảnh, đùa nghịch có thể xảy ra sự cố", ông Vượng khẳng định.
Chia sẻ về việc cấm người đi bộ lên cầu Long Biên, Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình thông tin, trên thực tế, phần làn hai bên của cầu Long Biên chủ yếu phục vụ những người làm về kỹ thuật đường sắt để đi lại. Nhân viên đường sắt sẽ đi xe máy, đi bộ dọc tuyến để kiểm tra. Nếu có hư hỏng sẽ duy tu, bảo dưỡng sửa chữa.
"Hai làn đường bên cầu Long Biên bản chất là tuyến đường phục vụ nghiệp vụ là chính, không phải để cho xe máy, người đi bộ qua lại", ông Bình cho biết.
Song theo ông Bình, việc quá thiếu lối qua sông Hồng, cầu Chương Dương cũng không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại nên đơn vị cũng "mắt nhắm, mắt mở" cho các phương tiện đi qua. Tuy nhiên, hạn chế xe máy sẽ có lý hơn hạn chế người đi bộ, vì tải trọng của xe máy hơn người đi bộ. Cấm người đi bộ nhưng không cấm xe máy có đôi chút ngược.