Năm 2017, Sở GTVT Hà Nội đặt biển cấm xe máy vào các khung giờ cao điểm (6h-9h và 16h-19h30) tại cầu vượt Lê Văn Lương và cầu vượt Láng Hạ nhằm giảm tải lưu lượng, tạo sự thông thoáng cho xe buýt BRT. Thế nhưng, người dân vẫn vô tư đi xe máy lên cầu vào các khung giờ cấm.
Theo ghi nhận của PV trong nhiều ngày, hàng nghìn lượt xe máy vô tư di chuyển lên cầu vượt trong các khung giờ cao điểm. Nhiều phương tiện di chuyển lên/xuống cầu cùng thời điểm khiến giao thông ở 2 hướng xảy ra tình trạng ùn ứ.
Biển cấm dù được cắm nhiều năm nhưng không mang lại nhiều ý nghĩa khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trên 2 cây cầu vượt này.
Trao đổi về việc cắm biển cấm xe máy trên 2 cây cầu vượt này, TS Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông cho hay, việc cấm xe máy nhằm đảm bảo sự lưu thông thông suốt của tuyến buýt BRT trong giờ cao điểm, đảm bảo làn BRT được thông thoáng. Tuy nhiên thời gian qua, công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt của lực lượng chức năng bị bỏ lửng, nơi lỏng khiến cho rất nhiều xe lấn làn BRT, không chỉ trên cầu vượt.
"Chưa nói tới hiệu quả, nhưng xe đi vào đường cấm mà không bị xử phạt là sự buông lỏng về quản lý", chuyên gia khẳng định.
Nói về hiệu quả của biển cấm xe máy, ông Bình phân tích, về lâu dài, giao thông công cộng cần được ưu tiên và các phương tiện cá nhân phần nào phải bị hạn chế. Như hiện nay, làn BRT thông thoáng nên nhiều người đi xe máy "tranh thủ" đi vào lại không bị xử phạt khiến không ai muốn chuyển sang đi phương tiện công cộng.
Cách thực thi như vậy theo ông Bình sẽ khiến cho hiệu quả về chính sách giảm đi. Thực tế xe bus BRT đang phát huy hiệu quả bởi hiện nay nhiều người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại hàng ngày, giờ cao điểm rất đông khách. Những người có nhu cầu đi trên tuyến này rất ủng hộ vì có phương tiện công cộng đi lại trơn tru, đúng giờ hơn so với các phương tiện công cộng khác.
"Tuy nhiên, nó cần được đảm bảo quyền đi lại thông suốt, không bị phương tiện khác lấn làn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng chức năng, bởi thời gian qua, lực lượng chức năng có phần buông lỏng quản lý với tuyến này", ông Bình nói.
Biển cấm vô nghĩa, nên chăng dỡ bỏ để tránh sự phản cảm, nhờn luật?
Đồng thời, chuyên gia Phan Lê Bình cho rằng: "Cắm biển cấm là ngành giao thông cắm nhưng lực lượng cảnh sát giao thông dường như chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, cũng không có động thái gì để kiểm soát. "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thì chính sách không thể thực hiện được".
Theo ông Bình, hiệu quả của BRT không phải vấn đề thời gian, ngay bây giờ nó có thể đạt hiệu quả cao nhất nếu nó được kiểm soát tốt chứ không phải 10-20 năm nữa. Nếu không kiểm soát tốt thì 100 năm nữa cũng không thể tốt lên được.
Đại diện XN xe buýt nhanh Hà Nội cho biết, từ trước tới nay làn BRT bị lấn chiếm không chỉ tại 2 cây cầu vượt mà trên toàn tuyến, gây nhiều khó khăn cho việc vận hành tuyến buýt nhanh.
Đại diện đơn vị khẳng định: "Nếu cấm triệt để được các phương tiện khác đi vào làn BRT thì hiệu quả của tuyến buýt này sẽ tốt hơn rất nhiều. Thời gian di chuyển nhanh hơn, hành khách không phải ngồi trên xe lâu, xe buýt sạch sẽ, thoáng mát, tần suất chuyến cao... sẽ thành lợi thế của BRT nói riêng và ngành vận tải công cộng nói chung".
Được biết đơn vị vận hành tuyến buýt BRT đã có chuyên đề làm việc với cảnh sát giao thông và có báo cáo về vấn đề chiếm dụng làn xe. Các đội cảnh sát giao thông cũng đã ra quân xử lý mạnh vi phạm trên làn. Nhưng theo đơn vị vận hành, ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế.
"Sau này cấm xe máy thì mong rằng BRT sẽ đạt được hiệu quả như mong đợi", đại diện XN xe buýt nhanh Hà Nội cho hay.
Nhiều độc giả Dân trí cho rằng, biển báo đặt trong thời gian dài nhưng chưa được người dân chấp thuận và thực thi, cơ quan chức năng cũng thả lỏng quản lý. Vậy nên chăng dỡ bỏ để tránh sự phản cảm, nhờn luật hay không?