Hà Nội: Bệnh nhân xóm chạy thận sống chật vật những ngày đỉnh dịch

07/03/2022 11:44

Không thể chạy xe ôm, đánh giày, bán nước để kiếm thêm vài đồng mỗi ngày, người dân 'xóm chạy thận' lo lắng nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát, khó khăn lớn nhất của họ vẫn phải xoay xở chi phí để chạy chữa bệnh lâu dài.

Từ lâu, con ngõ nhỏ số 121 phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn được nhiều người biết đến với cái tên "xóm chạy thận". Xóm này có khoảng hơn 100 bệnh nhân bị suy thận ở nhiều tỉnh thành trên cả nước về tá túc để tiện cho việc chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo cư dân "xóm chạy thận", sau gần 2 năm dịch bệnh bùng phát, khó khăn lớn nhất với họ vẫn xoay xở tiền bạc. Để có kinh phí cho mỗi lần chạy thận, họ phải tích cóp từng đồng, chi tiêu dè sẻn, nhiều người đi chạy xe ôm, rửa bát, bán nước cho bệnh nhân… để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, họ không dám đi làm thêm nữa vì sợ nhiễm Covid-19, nguy hiểm với người bệnh nền nặng.

Hà Nội: Bệnh nhân xóm chạy thận sống chật vật những ngày đỉnh dịch
Xóm trọ nghèo trong con ngõ nhỏ số 121 phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được nhiều người biết đến với cái tên "xóm chạy thận".

Anh Mai Anh Tuấn (46 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội) chạy thận đã 26 năm nay. Sống lâu trong xóm nên anh Tuấn được người dân bầu lên giữ chức ''trưởng xóm". Trước đây, anh cũng từng chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập, nhưng từ khi có dịch anh buộc phải nghỉ vì sợ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với nhiều người.

“Dịch bệnh kéo dài, chúng tôi cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhưng vẫn phải ăn uống đầy đủ để có sức khỏe chống chọi với bệnh tật. Tết vừa rồi, hầu hết chúng tôi ở lại đây, rất nhiều người từ năm ngoái vẫn chưa về nhà”, anh Tuấn cho biết.

Hà Nội: Bệnh nhân xóm chạy thận sống chật vật những ngày đỉnh dịch
Anh Mai Anh Tuấn được người dân trong ''xóm chạy thận'' bầu giữ chức ''trưởng xóm".

“Chúng tôi rất lo lắng nếu bị nhiễm Covid-19 vì ai cũng có bệnh nền sẵn, nhưng được sự quan tâm của nhà nước, chúng tôi đa số đã được tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh”, anh Tuấn cho hay.

Theo anh Tuấn, thời gian vừa rồi, trong “xóm chạy thận” có một số người đã bị nhiễm Covid-19 nhưng đều đã khỏi.

Trong căn phòng chưa đầy 15 m2, bà Trần Thị Kim Oanh (quê ở Nam Định) ở cùng người đồng hương là bà Nguyễn Thị Sự năm nay đã 71 tuổi. Bà Oanh cho biết, lúc chưa có dịch bà cũng đi bán nước để có thêm tiền chữa bệnh, nhưng suốt gần 1 năm nay bà phải nghỉ bán vì thời gian dài thành phố xiết chặt các hoạt động để phòng chống dịch, và khi được đi bán cũng ít khách.

Hà Nội: Bệnh nhân xóm chạy thận sống chật vật những ngày đỉnh dịch
Căn phòng trọ chưa đầy 15 m2 được bà Oanh và bà Sự thuê với giá 1,2 triệu đồng làm nơi tá túc để chạy thận nhiều năm qua.

“Dịch bệnh cũng ít người mua nước bên ngoài, hơn nữa ở viện họ cũng có cây nước phục vụ cho bệnh nhân. Không đi làm thêm được, tất cả tiền nong chữa trị tôi phải nhờ tất vào chồng con và một số người thân trong nhà”, bà Oanh Tâm sự.

Theo bà Oanh, số tiền mỗi tháng bà phải chi để chữa bệnh khoảng 5 triệu đồng, không đi làm được bà phải tiết kiệm, cắt toàn bộ thuốc bổ, hiện giờ bà chỉ dùng những loại thuốc bắt buộc phải dùng.

“Nhà tôi cũng không có điều kiện nên tôi phải tiết kiệm nhất có thể. Nếu có tiền tôi dùng thêm các loại thuốc bổ khác để tăng cường sức khỏe, nhưng hơn một năm nay tôi không dùng đến các loại thuốc bổ vì không có tiền.

Hà Nội: Bệnh nhân xóm chạy thận sống chật vật những ngày đỉnh dịch
Bà Sự đun nước bằng bếp than để giảm chi phi sinh hoạt hằng ngày.

Sống cùng căn phòng nhỏ với bà Oanh, bà Nguyễn Thị Sự đã cư ngụ tại đây được 14 năm. Bà Sự mới bị Covid-19, khỏi bệnh cách đây vài ngày.

“Tôi bị nhiễm Covid-19 gần 1 tháng, có bệnh nền nên tôi rất lo lắng. Khi điều trị, tôi được các bác sĩ chăm sóc và cấp đồ ăn đầy đủ, lúc đó tôi phần nào yên tâm hơn”, bà Sự kể lại.

Mỗi tháng bà Sự có 5 triệu đồng tiền lương, chi tiêu dè sẻn nên bà cũng đủ chi trả cho sinh hoạt và thuốc thang ở đây.

Trong căn phòng trọ nhỏ, anh Lưu Anh Sơn (quê ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) buồn bã chia sẻ, từ Tết trở lại đây anh cũng không thể ra đường đánh giày kiếm thêm thu nhập vì khách quá ít.

“Ở xóm này ai cũng có những nỗi khổ riêng, từ khi dịch bệnh xảy ra chúng tôi rất khó khăn trong việc đi lại để chạy thận. Không thể về nhà, người thân cũng không thể lên thăm, thiếu thốn đủ thứ từ tình cảm đến kinh tế. Ra Tết tôi theo dõi thấy số ca nhiễm mới tăng cao quá, hiện giờ có nhiều ca mắc, bị bệnh nền nên tôi cũng sợ không đi làm. Mọi số tiền hiện nay đều trông cậy cả vào gia đình. Trước đây đi đánh giầy mỗi ngày cũng được hai trăm ngàn, có khách thương họ cũng cho thêm, số tiền đó tôi thêm thắt vào thuốc thang”, anh Sơn chia sẻ.

Theo anh Sơn, mỗi tháng anh tiêu hết khoảng 6 triệu cả tiền thuốc. Ở đây, anh cùng những người trong xóm được chính quyền địa phương thường xuyên kết hợp với các tổ chức từ thiện giúp đỡ về lương thực, thực phẩm như gạo, dầu ăn… nên cũng bớt thiếu thốn.

Hà Nội: Bệnh nhân xóm chạy thận sống chật vật những ngày đỉnh dịch
Anh Sơn với chiếc làn đựng đồ đánh giầy kiếm thêm thu nhập để chạy thận khi Hà Nội chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hà Nội: Bệnh nhân xóm chạy thận sống chật vật những ngày đỉnh dịch
Thời gian rảnh, những người ở trong xóm chạy thận ngồi chơi cờ cùng nhau.
Hà Nội: Bệnh nhân xóm chạy thận sống chật vật những ngày đỉnh dịch
Những người chạy thận lâu năm không tránh khỏi việc cánh tay bị biến dạng.

Bảo Khánh

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Bệnh nhân xóm chạy thận sống chật vật những ngày đỉnh dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO