Hà mã trưởng thành có thể nặng tương đương với một chiếc ô tô cỡ trung. Thế nhưng, điều đó không thể ngăn cản chúng nhấc mình lên khỏi mặt đất khi đạt tốc độ tối đa.
Nghiên cứu mới được công bố từ Đại học Royal Veterinary (Anh) cho biết kiểu chạy 2 nhịp (còn gọi là chạy nước kiệu) của hà mã giúp sinh vật cồng kềnh này có thể "bay" trong một khoảng thời gian khá dài, lên tới 0,3 giây.
Bằng cách phân tích chuyển động của hà mã, các nhà nghiên cứu nhận thấy hà mã chạy nước kiệu trong toàn bộ phạm vi vận tốc của chúng. Đây là điều bất thường đối với động vật 4 chân, đặc biệt là động vật có vú.
Ví dụ như voi hay tê giác sẽ sử dụng trình tự 4 nhịp để di chuyển, với việc chân trái sau đưa về phía trước, tiếp theo là chân trái trước, chân phải sau rồi đến chân phải trước. Trong khi đó, hà mã chạy với các chi cùng bên đều được đưa về phía trước cùng lúc.
"Về cơ bản, hà mã chỉ chạy nước kiệu", GS John Hutchinson, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Cách di chuyển của chúng là hoàn toàn khác biệt".
Nghiên cứu cho biết ở các loài động vật khác, chẳng hạn như ngựa và tê giác, chúng thường xuyên chuyển đổi từ trạng thái chạy nước kiệu sang nước đại và ngược lại. Trong khi đó, hà mã chỉ chạy nước kiệu ngay cả ở tốc độ cao (lên tới 25 km/h).
Cách di chuyển này giúp cho hà mã có thể nhấc hoàn toàn cơ thể và 4 chân lên khỏi mặt đất giữa các bước sải, với khoảng thời gian lên tới 0,3 giây. Theo GS John Hutchinson, đây là con số khá lớn, nếu tính đến việc hà mã có thể chạy 3 bước mỗi giây.
Nghiên cứu chuyển động của hà mã còn cho thấy chúng có hệ cơ và sức mạnh thậm chí còn lớn hơn cả voi, dù kích thước nhỏ hơn. Đó là bởi các chân của hà mã hoạt động như lò xo, khi tích trữ rất nhiều năng lượng đàn hồi trong các gân.
GS Hutchinson cho biết có khá nhiều loài vật có thể "bay" lên không trung khi di chuyển với tốc độ tối đa, nhưng chúng hiếm khi chạy nước kiệu, bởi khi làm như vậy, áp lực đè lên chân là rất lớn.
Điều này cho thấy hà mã hẳn đã tiến hóa để thích nghi với kiểu chạy nước kiệu, khi chúng sở hữu chiều dài chân ngắn và thân rộng.
"Hà mã sẽ dễ mất cân bằng nếu sử dụng kiểu di chuyển dồn trọng lượng về một bên cơ thể", GS Hutchinson cho biết. "Thay vào đó, chúng chạy nước kiệu vì điều này cho phép phân bổ trọng lượng đều sang cả hai bên".