Con đường từ Hà Nội, theo cao tốc Hà Nội-Hòa Bình, trườn qua Quốc lộ 6, ngoặt phải, ngoặt trái đến với MEDDOM Park, bản thân nó đã dâng đầy cảm xúc.
MEDDOM Park tọa lạc tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km và TP. Hòa Bình 20km; di chuyển theo Quốc lộ 6 hướng đi Sơn La. Thật ngạc nhiên, công viên là sự kết hợp hài hòa giữa phong cảnh tự nhiên phong phú với nét quyến rũ mộc mạc của núi rừng Tây Bắc, cùng sự độc đáo riêng có của di sản các nhà khoa học Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Anh Trí là người thừa bận rộn nhưng cũng không thiếu nhiệt tình, ấm áp. Ông chờ đợi sẵn đoàn ở tòa nhà điều hành, ngự trên quả đồi rặt những đá được một người nông dân “biếu không” khi ông về đây mua đất để tạo dựng cơ nghiệp.
Hôm chúng tôi đến, thời tiết vào chớm thu, đúng vào ngày MEDDOM Park khai mạc “Lễ hội Mùa thu”. Đoàn địa phương do lãnh đạo tỉnh Hoà Bình dẫn đầu. Tháp tùng có lãnh đạo ngành Văn hóa-Du lịch và “thổ công” là lãnh đạo huyện Cao Phong nữa. Nghe lãnh đạo tỉnh phát biểu mới biết, MEDDOM Park là một địa chỉ văn hóa, du lịch của Hòa Bình, địa phương tự hào về nó.
Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Anh hùng Lao động, GS.TS Nguyễn Anh Trí bằng chất giọng Quảng Bình, chậm, thanh, truyền cảm kể rằng: “Gần như cái duyên đưa ông đến vùng đất Cao Phong”. Tính từ ngày ông phát hiện ra doi đất phong thủy để mua mà mở mang thành cơ nghiệp như hiện nay đã 20 năm có lẻ.
MEDDOM Park-Công viên Di sản hiện nay là tổ hợp công viên hiện đại hàng đầu tại tỉnh Hòa Bình và thuộc “top” các điểm đến hấp dẫn nhất Tây Bắc với tổng diện tích hơn 34ha. GS.TS Nguyễn Anh Trí dành cả buổi đưa đoàn chúng tôi đi tham quan, giới thiệu cặn kẽ những hạng mục: Không gian trưng bày di sản; không gian hội thảo, sự kiện; không gian lưu trú; không gian ẩm thực cùng khu vực giáo dục kỹ năng sống và khu giải trí.
Có đi mới cảm phục, không chỉ ở đồng tiền của nhà đầu tư, quan trọng hơn là “tầm văn hóa” trong cách nhìn, luận giải của chủ nhân. Nơi đây, hiện đang lưu trữ hàng triệu di sản vật thể và phi vật thể của hàng nghìn các nhà khoa học Việt Nam, như: GS Tôn Thất Tùng, GS Trần Đại Nghĩa, GS Nguyễn Văn Nhân, GS Hồ Đắc Di…
Công viên Di sản xây dựng các công trình theo trường phái tự nhiên và nghệ thuật sắp đặt. Nơi đây, mỗi công trình là một “tác phẩm nghệ thuật” độc bản, nhưng hài hòa với tổng thể chung, như: Tòa nhà Cánh Bướm, Cánh Cam, Con Công… Đặc biệt, tòa nhà Quyển sách được thiết kế giống hình một cuốn sách đang mở ra cùng bao tri thức gợi mở khiến du khách háo hức về những gì chứa đựng bên trong đó: Một kho tàng kiến thức khổng lồ, rộng mở. Ngoài ra, mỗi một công trình được thiết kế mô phỏng các kiến thức khoa học gắn liền với triển lãm di sản của các nhà khoa học theo chuyên ngành.
Về mặt cảnh quan, công viên nằm giữa núi rừng Tây Bắc bạt ngàn và hệ rừng đa dạng hàng trăm loài cây tạo nên không gian xanh biếc nằm giữa những đồi cam Cao Phong. Nhiều loài cây đặc hữu ở các vùng trong và ngoài nước được di thực về đây, tạo nên một thảm thực vật với nguồn gen phong phú.
Ngồi trên xe điện ngắm không gian sinh thái của MEDDOM Park, tôi nói với GS.TS Nguyễn Anh Trí: “Mươi năm nữa, chỉ riêng các nguồn gen đặc hữu đã biến khu MEDDOM Park thành khu rừng triệu đô”. Đúng thế thật, lim, sến, táu... và sưa đỏ được ông nhân giống, trồng bạt ngàn. Không chỉ có thế, ông đang bảo tồn những loài cây đã trở thành văn hóa Việt Nam như cây tre, cây tầm vông...
GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, trong ý tưởng, ông muốn biến MEDDOM Park thành “khu sinh thái giáo cụ trực quan”, giáo dục về tình yêu đối với đa dạng sinh học, về vĩnh cửu... để con người biết nâng niu những thứ quý giá trong không gian sống người Việt. Trong khu sinh thái còn có cây bàng vuông lấy giống từ Trường Sa, ông còn là một người có trách nhiệm khi muốn tham gia vào việc giáo dục tình yêu Tổ quốc.
Theo PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: “Nhờ bảo tàng này, di sản của các nhà khoa học Việt Nam được sưu tầm, gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị. Nếu không, những cống hiến của các nhà khoa học sẽ không được lưu giữ một cách toàn diện... Lưu giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học là phần việc rất quan trọng”. Đến MEDDOM Park để tự hào và nỗ lực.
Cuối tháng 9 vừa qua, tôi bất ngờ khi được ông mời đến Nhà hát Lớn (Hà Nội) dự đêm nhạc “Tổ quốc tôi” của ông. Đêm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và nằm trong chuỗi các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Xin dùng chữ “bất ngờ” ở nhiều khía cạnh, thứ nhất là đêm nhạc hùng ca, hoành tráng; thứ hai, đây không phải là đêm nhạc đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí.
“Tổ quốc tôi” nhận được sự quan tâm đặc biệt của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trước hết, “về âm nhạc Nguyễn Anh Trí là người đặc biệt”, như chia sẻ của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, từng là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, PGS.TSKH Đỗ Hồng Quân nhận xét; thứ nữa là chủ đề của đêm nhạc. Chính vì thế, “Tổ quốc tôi” được cố vấn nghệ thuật bởi PGS. TSKH nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Chỉ đạo nghệ thuật Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thiếu tướng nhạc sĩ Đức Trịnh, Tổng đạo diễn NSND Phạm Ngọc Khôi.
“Tổ quốc tôi” gồm 19 ca khúc với 3 chủ đề “Tổ quốc”, “Tri ân”, “Vinh quang” đối với quê hương, đất nước, con người, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Phải nói rằng, đó là đêm nhạc vừa hùng tráng, vừa lộng lẫy; tất cả sẽ hòa quyện cùng nhau tạo nên một bức tranh âm nhạc sống động, khơi dậy ngọn lửa yêu nước cháy bỏng luôn nhen nhóm trong lòng bao thế hệ.
GS.TS Nguyễn Anh Trí là người dễ gần. Ông là một người gốc Quảng Bình, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Kiến Giang, dặt dìu hò khoan Lệ Thủy, làm nên cơ nghiệp trên đất Hà Nội.
Kể chuyện về gia đình, ông trầm ấm: “Mẹ tôi là nông dân, không biết chữ, bà chỉ viết được chữ Hằng-là tên bà, chắc ai đó tập cho bà! Ba tôi là bộ đội kháng chiến chống Pháp, là y sĩ trong quân đội. Sau 1954, cụ làm y tế phục vụ ngành lâm nghiệp của tỉnh Quảng Bình… Ba tôi có nguyện vọng cháy bỏng là các con được học tập, vì thế anh tôi được ông đặt tên Tài, tôi được đặt tên Trí”. Các anh chị em trong gia đình đều nỗ lực đỗ đạt, thành tài.
Rời quê hương Quảng Bình, Nguyễn Anh Trí vào Đại học Y Hà Nội, chọn ngành huyết học-truyền máu. “Đúng là nghề đi tìm người chứ không phải người tìm nghề. Trận ốm là một bước ngoặt cuộc đời! Trận ốm là quá rủi chứ, nhưng trong cái rủi lại có cái may! Mình tìm được một cái nghề phù hợp mà sau này mình sống với nó”. Ông nói về trận ốm trước ngày nhận giấy báo nhập học.
GS.TS Nguyễn Anh Trí đã thành công, sau khi ra trường là bác sĩ, cho đến lúc làm Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của viện-là nơi đã thực hiện thành công hàng trăm ca ghép tế bào gốc, trở thành nơi dẫn đầu trong cả nước.
GS.TS Nguyễn Anh Trí không chỉ viết lên những ca khúc về chủ đề “Tri ân”. Ông đã và đang dấn thân hành động để tri ân, trong cả nghiên cứu khoa học, để lại các sản phẩm văn hóa mà còn hướng tới cộng đồng bằng những việc làm cụ thể.
NGÔ ĐỨC HÀNH