"Cán bộ Y tế đã gồng mình chống dịch, làm ngày đêm, bất chấp khó khăn nguy hiểm, dù có nơi thù lao đêm trực chỉ 18.600 đồng", GS.TS Nguyễn Anh Trí nói trong phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), sáng 13/6.
Tại hội trường, cũng như bên lề Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhiều lần nói về những khó khăn, thách thức mà cán bộ, nhân viên ngành Y đang vấp phải do những vướng mắc trong cơ chế. Ông Trí cho rằng hành lang pháp lý chưa hoàn thiện là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những vụ việc sai phạm như bê bối liên quan Công ty Việt Á.
"Luật bị thiếu, sơ hở, còn lỏng lẻo nên lòng tham của số ít người có cơ hội vượng lên. Họ trục lợi, chấm mút, chia chác. Cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu bị lôi ra ánh sáng để xử lý. Y tế cả nước đang chao đảo. Những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch nay bại hoại, buông tay đứng nhìn", GS.TS Nguyễn Anh Trí phát biểu.
"40 năm làm nghề, tôi chưa bao giờ thấy luật pháp y tế khủng hoảng, thiếu hụt, không cập nhật như bây giờ. Yêu cầu về khám chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám chữa bệnh luôn là cứu người như cứu hỏa. Đại dịch COVID-19 càn quét, sức khỏe nhân dân tổn thương nặng nề. Yêu cầu chống dịch như chống giặc làm bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống pháp luật y tế hiện hành", ông Trí nói tiếp.
Theo đại biểu này, chính những quy định của luật pháp không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, làm bó tay ngành Y và không thỏa đáng với đóng góp của các cán bộ y tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng ngàn cán bộ y tế cấp cơ sở xin thôi việc.
"Cán bộ y tế chúng tôi nhìn thấy và đau lòng vì điều đó. Cán bộ y tế muốn làm, nhưng thiếu hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể làm được", GS.TS Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.
Ông nhắc lại một số hiện tượng như hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm, vật tư bị đứt gãy nghiêm trọng, các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ. Trong khi đó, việc phục vụ công tác thanh tra, điều tra cũng ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan quản lý trong vấn đề phê duyệt, cấp phép đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men.
"Hoạt động khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất là người bệnh, người dân. Xin kêu gọi Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết vấn đề cấp bách của ngành Y", GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Ông nói thêm rằng, hiện tại, ngành Y cần lắm sự thấu hiểu, chia sẻ, động viên, tin yêu từ chính nhân dân và toàn xã hội; từ Chính phủ, Trung ương. "Hơn bao giờ hết, ngành Y đang cần những phương thuốc đó".