GS Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ thú vị liên quan đến toán học. |
Chiều 1/4, tại cuộc trò chuyện với học sinh, sinh viên ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, GS Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ thú vị liên quan đến Toán học và cuộc sống.
Muốn nghiên cứu khoa học dài hơi, cần thay đổi bản thân
Ở Việt Nam, liệu sinh viên có cơ hội và động lực nào để có thể phát triển theo con đường nghiên cứu định hướng chuyên sâu không?
Trả lời cho câu hỏi này, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, điều kiện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với những lĩnh vực chuyên sâu, để có được những nghiên cứu chất lượng tốt đòi hỏi sự nỗ lực, can đảm và đầu tư rất lớn.
Từ đó, ông khuyên sinh viên nên tham gia vào một nhóm nghiên cứu nào đó, có một người thầy dẫn dắt đủ tốt.
"Người này sẽ đưa cho bạn những vấn đề, bài toán để bạn nghiên cứu. Tôi không nghĩ rằng một sinh viên có thể tự tìm ra một bài toán nào đó vì điều này thuộc về vấn đề chuyên nghiệp. Do đó, việc tham gia vào một nhóm nghiên cứu nào là điều quan trọng nếu bạn muốn theo đuổi một vấn đề chuyên sâu", GS. Châu nói.
Trước câu hỏi: Giáo sư có phải là người giỏi cân bằng mọi thứ trong cuộc sống không, có khoảnh khắc lười trong ngày không?
GS Ngô Bảo Châu cho biết, không rõ bản thân có giỏi về việc cân bằng mọi thứ không, nhưng thực tế có rất nhiều khoảnh khắc ông bị mất cân bằng.
"Những thứ tôi quan tâm chủ yếu là toán học, triết học, văn học,… đó là những điều tôi cho rằng có lẽ làm cho cuộc sống thú vị hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ của tôi là chúng ta không thiếu thời gian, chỉ thiếu tập trung. Việc lười thì ai cũng lười nhưng càng lớn tuổi, tôi càng cảm thấy phải có nhiều trách nhiệm và cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình. Điều đó là động lực để tôi thoát khỏi cơn lười".
Đề cập đến những khó khăn lớn nhất của mình trong nghiên cứu, GS Ngô Bảo Châu cho rằng khi làm khoa học luôn có những điều khó khăn khác nhau.
Nhưng khó khăn lớn nhất là luôn phải tự làm mới mình. Ông cho biết, hồi còn đi học, ông được trang bị một số công cụ hay "vũ khí" tư duy để giải quyết các dạng bài toán. Sau một thời gian, các bài toán có thể giải được từ những "vũ khí" này sẽ cạn dần.
Lúc đó, việc tìm kiếm những bài toán mới sẽ là thách thức. Đặc biệt, khi quỹ thời gian ngày càng ít trong khi người làm nghiên cứu ngày càng già đi.
Vì vậy, nếu muốn duy trì con đường nghiên cứu toán học một cách "dài hơi", theo giáo sư Châu, mỗi người không chỉ phải luôn cập nhật thông tin, kiến thức mà còn thật sự phải thay đổi bản thân.
Có vài ba khám phá là thấy cuộc sống ý nghĩa rồi!
Đồng thời, GS Châu nhấn mạnh: "Chuyện bế tắc trong khoa học là điều bình thường. Khi làm nghiên cứu, trên 90% khoảng thời gian là bế tắc trước khi có những đột phá hiếm hoi. Nhưng đó sẽ là phần thưởng rất lớn trên con đường khoa học".
Cho nên, GS Châu nói những nhà nghiên cứu trẻ không nên quá lo lắng khi bị bế tắc trong khoa học. Khi bị bế tắc, có thể do chúng ta chưa hiểu tường tận vấn đề, hiểu một cách rạch ròi và chính xác.
Ngoài ra, bế tắc cũng có thể do chúng ta đang thử cách giải quyết bài toán bằng những công cụ, phương pháp của những người đi trước đã thử rồi, cho nên khả năng bế tắc cũng rất cao. Do đó, cần phải tìm kiếm thứ vũ khí tư duy mới, khác với những người đã từng thử sức với bài toán đó thì mới có thể đi tới đột phá.
Đặc biệt, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, trong nghiên cứu khoa học, kết quả mỗi người thu được không hẳn là một sự đột phá mà là một quá trình tích lũy hằng ngày.
Theo ông, người đi theo con đường toán học luôn cần sự siêng năng và nghiêm túc với bản thân. Người học toán có thể thực tập với những tư duy, thao tác với các khái niệm toán mỗi ngày. Thử thách luôn là một phần của nghiên cứu bởi nếu dễ dàng, có lẽ không cần đến nghiên cứu hay các nhà khoa học.
Do đó, GS Châu nhấn mạnh: "Trong cuộc đời nghiên cứu, tôi nghĩ chúng ta chỉ độ vài ba khám phá là chúng ta đã hạnh phúc và thấy cuộc sống có ý nghĩa rồi".
Giải bài toán và hiểu một người phụ nữ - cả hai đều khó Trước câu hỏi, giải một bài toán khó và hiểu một người phụ nữ thì cái nào dễ hơn, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ cả hai đều khó. Tuy nhiên, theo ông bài toán hôm nay hiểu và ngày mai có thể hiểu. Còn người phụ nữ thì hôm nay hiểu nhưng ngày mai có thể không hiểu. GS Ngô Bảo Châu cho biết, ông may mắn có người vợ luôn chăm sóc và tôn trọng nghề nghiệp của mình bởi nghiên cứu về toán đôi lúc ông như một người tự kỷ, trong gia đình không muốn nói chuyện với ai. Vợ ông rất thông cảm cho công việc của chồng và các con cũng vậy. Đó là chỗ dựa vững chắc cho ông nghiên cứu khoa học. |