Một trong những vấn đề được quan tâm tại hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì là hiện tượng “chảy máu” di sản. TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia chỉ ra, việc “chảy máu” di vật, đặc biệt là cổ vật thường xảy ra tại các cửa hàng mua bán.
Dù có những quy định chi tiết và cụ thể trong những văn bản Luật và Nghị định, thế nhưng, trên thực tế tại một số cửa hàng đồ cổ thường xuyên xuất hiện các “con buôn” nước ngoài mua bán, trao đổi tiền cổ, gốm, sứ trong các quan tài cổ được khai quật trái phép tại vùng biển Việt Nam. TS. Phạm Quốc Quân phân tích, nguyên nhân đến từ những quy định và hướng dẫn còn chung chung trong các văn bản Luật và dưới Luật, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương...
Cổ vật mũ quan triều Nguyễn hồi hương đầu năm 2022 sau một cuộc đấu giá tại Tây Ban Nha |
Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa quy định rõ ràng, cụ thể việc sao chép di vật, cổ vật dẫn đến việc sao chép, làm giả di sản là tài liệu, hiện vật cho mục đích thương mại, hoặc làm phiên bản giả phục vụ trưng bày làm sai lệch nhận thức công chúng. Viện kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều kiện khi làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải bảo đảm điều kiện sau: “tỷ lệ bản sao phải thu nhỏ hơn với bản gốc từ 10% trở lên”.
Một số chuyên gia cho rằng các quy định hiện hành chưa cụ thể, chưa có tính khuyến khích và tôn vinh sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức vào công tác tu bổ, gìn giữ di sản. Quy định cũ chưa khích lệ, tôn vinh việc tham gia tìm kiếm, đấu giá, mua cổ vật, đưa cổ vật hồi hương…
Đặc biệt nhiều khoảng trống cần được lấp đầy như quy định về di sản tư liệu; bảo tồn di sản đô thị, nông thôn-vấn đề nóng hiện nay đòi hỏi hành lang pháp lý cụ thể hơn, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương ghi nhận ý kiến của các đại biểu và đại diện địa phương, mong muốn tiếp tục nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp để Bộ VHTTDL hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Luật mới ra đời cần phù hợp với thực tiễn quản lý, góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững.