Góc sân của mẹ tôi chỉ là góc nhỏ gần bể nước, nơi sạch sẽ và đón được nhiều nắng nhất trên sân. Nơi ấy mẹ thường phơi đồ dùng, đồ ăn trong những hôm nắng ráo, đẹp trời.
Xuân, hạ, thu, đông, ngày nắng lẫn ngày mưa đều đi qua góc sân ấy. Mỗi khi nhắm mắt nghĩ về khoảng sân nhỏ, tôi như thấy hiện lên dáng mẹ tất tả, vun vén từng li từng tí công việc trong nhà.
Cuối mùa xuân, góc sân cũng ngập trong màu của những vạt áo dài, áo ngắn, áo khoác, áo len của mùa đông vừa đi qua. Mẹ bắc thêm hai cây sào để có thêm chỗ phơi quần áo. Ngày xa xưa, khi nhà chưa có máy giặt, mẹ tôi giặt quần áo mùa đông ở cái giếng nước trước sân. Quần áo nhiều đến nỗi tay mẹ đỏ ửng, mẹ phải gọi mấy đứa con ra phụ giúp việc vắt áo quần.
Ảnh minh họa: amthucmelam |
Mùi hương hoa cuối xuân thoảng qua, lẫn cùng mùi nắng mới ủ ấp trong từng nếp áo, nếp khăn. Đôi khi, rút quần áo xuống để gấp đi, áp mặt vào những mặt vải đã khô và thơm, tôi cảm giác như chúng có mùi bàn tay mẹ.
Cũng ở khoảng sân ấy, vào cuối hạ, mẹ phơi mè, đậu cho khô để bóc lấy hạt cất đi dùng dần hoặc mang bán. Tính mẹ tham công tiếc việc, nên thấy mấy thửa ruộng của dân làng ở gần nhà tôi bị bỏ không, mẹ đều xin được trồng trọt trên đó.
Vốn giỏi gieo trồng, lại đảm đang khéo léo nên mè, đậu các loại của mẹ rất tốt. Khi quả mè đã chín chíu chít ở những đầu cành, khi những quả đậu đã căng mẩy với lớp vỏ mỏng dần đi… mẹ sẽ chuẩn bị cho việc thu hoạch. Mẹ chặt nguyên cả cây, chất vào bao để mang về phơi trên sân. Những cuống lá xanh khô dần đi dưới nắng rực rỡ. Lớp vỏ ngoài của những quả đậu, quả mè, quả đậu phộng cũng khô và cứng lại.
Những trưa nắng vàng, khi ngồi trong bóng râm cạnh sân, tôi nghe vỏ đậu nổ lách tách khe khẽ và những hạt đậu đen căng bóng, với lớp ruột màu xanh nhạt bên trong bắt đầu bung ra khỏi vỏ. Trong hành lý tôi trở về thành phố học cuối mỗi mùa hè, luôn có một túi đậu đen, túi mè, túi đậu phộng đã tách vỏ. Tất cả đều đong đầy tình thương của mẹ.
Khi mùa thu tới, mẹ tôi lại hào hứng với việc phơi măng khô để chuẩn bị cho mùa tết. Mẹ phải thái, ngâm, luộc rồi mới mang măng ra phơi dưới nắng. Tôi bàn với mẹ đừng nhọc nhằn phơi măng nữa, giáp tết thì mua măng khô bán sẵn. Nhưng mẹ không đồng ý và nói với ánh mắt tự hào: “Mẹ thích tự làm măng khô. Cái gì tự làm được sẽ thấy có ý nghĩa hơn đi mua sẵn con ạ”.
Thế là, dù không thích lắm nhưng tôi cũng phải vào cuộc làm măng khô với mẹ. Mẹ kỹ tính, nên tôi chỉ được giao nhiệm vụ bóc vỏ măng để loại bỏ những bẹ lá già bọc bên ngoài ngọn măng trắng nõn bên trong, rồi xếp những miếng măng đã luộc lên những chiếc mẹt to để phơi dưới nắng. Khi măng khô dần trên mẹt, đôi bàn tay gầy của mẹ lại kiên trì lật, giở từng miếng măng, cho đến khi măng khô hẳn đi dưới nắng vàng.
Ảnh minh họa |
Tôi nhớ mãi hình ảnh mấy mẹ con ngồi trên hiên, người bóc lá, người rửa măng, người sắp măng vào nồi luộc. Tiếng nói chuyện rủ rỉ, tiếng cười rúc rích trong những buổi trưa ấy cứ vang vọng mãi trong tôi.
Tôi lớn lên với những khoảng ký ức đượm màu nắng cũng như màu của biết bao mùa vụ đi qua khoảnh sân. Mùa nối mùa, ngày nối ngày, tôi ngỡ như nhắm mắt lại là có thể thấy đâu đây mùi thơm của những hạt mè đầu mùa, ngỡ như thấy cái dây phơi treo đầy rau cải để mẹ nén dưa chua… Sẽ chẳng sai chút nào khi nói rằng, góc sân ấy chính là một phần tuổi thơ tôi.
Tôi lớn lên, đi học xa nhà, rồi lấy chồng, sinh con; cuộc đời đẩy đưa khiến tôi ngày càng xa mẹ. Nhiều lần giữa phố thị tấp nập, tôi chỉ mong mình có thể chạy ùa về góc sân ký ức rồi reo to: “Mẹ ơi, con đã về!”.
Mai Hà Uyên