Góc nhìn từ vụ nam sinh nhảy lầu tự tử : người lớn chỉ hiểu con trẻ khi thấu suốt bản thân

Bình An (tổng hợp)| 02/04/2022 14:50

'Đừng lo lắng về những điểm số nữa, hãy lo lắng khi con trẻ không nghe nhạc, không có bạn bè, không say mê trò chơi nào'.

Trong một tuần, tại Hà Nội xảy ra hai vụ tự tử, một nam sinh lớp 10, một nữ sinh lớp 9. Ở tuổi đó, thật xót xa khi lý do cự tuyệt cuộc sống là để kết thúc sự mệt mỏi, như trong thư tuyệt mệnh của nam sinh lớp 10: “Thực sự thì cuộc sống cũng quá mệt mỏi rồi”.

Tự tử trở thành nguyên nhân lớn thứ 2 của cái chết ở tuổi trẻ (17-24 tuổi) theo một thống kê đăng Harvard Politics. Phụ huynh Đông Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản trước đây từng có xu hướng mong đợi và thúc ép chuyện học tập của con cái nếu đem so với phương Tây. Tỉ lệ học sinh, người học,…tự tử ở Hàn Quốc Nhật Bản…đã được nói đến ở khá nhiều bài báo.

Các đại học hàng đầu tại Mỹ như Harvard, Yale cho biết một tỉ lệ không nhỏ sinh viên đến đây đã chọn con đường tự tử. Vì quá nhiều áp lực, và sự cạnh tranh ở một môi trường toàn người giỏi.

Tháng 11/2021, ĐHQG TP. HCM công bố khảo sát trên 37.000 sinh viên trong toàn hệ thống cho thấy việc phải ở nhà học trực tuyến quá lâu do ảnh hưởng dịch đã khiến nhiều bạn trầm cảm. 27,7% nói có phát sinh mâu thuẫn với gia đình trong việc thấu hiểu. Vấn đề ngại tiếp xúc với người khác (kể cả người thân) cũng tồn tại trong 26,7% sinh viên. 48% cho biết mơ hồ về mục đích sống.

277226518_10159021919993075_2289651244787267187_n.jpg
Khảo sát năm 2016 của WHO về tỷ lệ tự tử ở tuổi vị thành niên ở châu Á. Ảnh: WHO

Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới công bố khảo sát về tỷ lệ tự tự ở tuổi vị thành niên tại châu Á cho thấy Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu. Rất may, Việt Nam nằm ở vị trí cuối cùng trong 13 quốc gia. Nghiên cứu cho thấy nam sinh tự tử nhiều hơn nữ sinh, dân nước giàu dễ tự tử  hơn nước nghèo, thậm chí nhà ít con dễ tự tử hơn nhà đông con...

Khi một đứa trẻ phải làm hành động cực đoan để giải thoát mình, không chỉ gia đình, nhà trường có lỗi mà mỗi chúng ta không tránh khỏi liên quan. Nếu mỗi người bớt dòm ngó việc nhà người khác, bớt kích thích tranh đua, yêu thương vô điều kiện để con bớt cô đơn, ngăn chặn những hành vi tương tự của những người xung quanh... thì xã hội sẽ yên bình hơn và trẻ em bớt được áp lực.

Áp lực học tập lớn, cùng với thiếu sự thấu hiểu chia sẻ từ phụ huynh, là một nguyên nhân hiện hữu dẫn đến các sang chấn tâm lý cho con trẻ, và tự tử như một cách giải thoát. Cũng như người bố trong clip vậy, chỉ cách con vài bước chân, nhưng không mảy may biết con mình đã và đang đấu tranh giữa sống tiếp và chết đi.

Những góc nhìn dưới đây, có thể lý giải câu chuyện đau lòng của tuổi trẻ.

Nhà thiết kế Đỗ Thị Trà My (Đà Lạt – Lâm Đồng)

Cái chết của bạn trẻ 16 tuổi cũng như những trường hợp trước đó là những cái chết vật lý. Còn bao nhiêu đứa trẻ đang sống đấy, nhưng cũng đang chết dần vì cái nhân danh gọi là yêu thương của cha mẹ. Khi cha mẹ không biết yêu thương chính bản thân mình, chẳng thể nào họ yêu thương con họ đúng cách.

275735180_10223522748030409_940571199206937709_n.jpg
Nhà thiết kế Đỗ Thị Trà My: 'con là cơ hội để thấy vấn đề. Thấu hiểu là hành trình của cha mẹ'.

Có 3 "chiến lược" được gọi là yêu thương của cha mẹ với con cái là:

- Gieo vào đầu trẻ nỗi sợ như khẻ tay, bỏ đói, cho người khác nuôi, cao hơn nữa là dọa phải tự kiếm sống. Vấn đề là, bản chất trẻ con không có nỗi sợ. Cho đến khi người lớn gieo vào đầu chúng nỗi sợ và nỗi sợ đó theo chúng đến hết cuộc đời.

- Hình phạt hướng đến sự xấu hổ, khiến đứa trẻ cảm thấy bị xấu hổ, mặc cảm, sai trái. Ví dụ như: con bạn bị điểm kém bét lớp, chưa biết cảm xúc của con bạn ntn, nhưng bạn thì cảm thấy "nhục", và bạn cũng muốn con bạn "nhục" như thế. Sự "nhục" này vô hình chung tước đi sự tự tin của đứa trẻ một cách tinh tế mãi về sau.

- Gây cảm giác tội lỗi. Tội lỗi là việc tước đi sự tự tin và thay thế bằng một niềm tin là họ không xứng đáng. Điều này lặp lại nhiều lần, thì chắc rằng, niềm tin kg xứng đáng đó cũng sẽ theo trẻ đến suốt đời và thể hiện ở vô vàn những cách thức khác nhau.

Câu hỏi là nếu con bạn ương bướng, khác biệt, bạn sẽ dạy dỗ con bạn kiểu gì? Cá nhân tôi nghĩ, bạn không cần dạy chúng điều gì cả. Bạn hãy tĩnh lại, quan sát mình, học hỏi cho mình, yêu thương mình nhiều hơn. Khi bạn thay đổi, tự khắc con bạn sẽ thay đổi, vì con bạn phản chiếu chính bạn mà thôi. Hành trình này đòi hỏi bạn cần sự dũng cảm của chính bản thân mình.

Chúng ta chỉ có thể hiểu người khác khi chúng ta hiểu thấu suốt bản thân mình. Chúng ta chỉ có thể yêu thương người khác khi chúng ta yêu thương chính bản thân mình.

Vấn đề là nằm ở bạn. Con bạn là cơ hội cho bạn thấy vấn đề đó. Thấy nhưng hiểu - cảm - ngộ đến đâu, lại chính là hành trình của bạn

ThS Lê Anh Tú – Giảng viên Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông (ĐH Văn Lang)

Chuyện nam sinh cấp 3 trường chuyên tại Hà Nội nhảy lầu tự tử, tôi thấy xót xa, nhưng không lạ, vì cũng đã từng trải qua rất nhiều áp lực từ hệ thống thi cử nước ta…

Sẽ có người cho rằng đã đi học thì phải có áp lực rồi. Cũng đúng thôi, phàm làm việc gì trên đời, muốn có thành công, muốn hơn người, cũng có áp lực cả. Nếu không, thành quả của mình làm ra sẽ tàng tàng, làng nhàng, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Vậy thì thật đáng chán biết bao cho cuộc sống này.

276144531_283021577302138_2280140157074782656_n.jpg
ThS Lê Anh Tú - Giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông (ĐH Văn  Lang).

Song rõ ràng, từ kinh nghiệm hơn 10 năm đi làm, trải qua nhiều môi trường làm việc, tôi thấy rằng cái tuổi chịu áp lực tốt không phải là ở tuổi học trò, và cũng chẳng phải ở tuổi sinh viên. Kể cả khi bạn đã ra trường 3-4 năm, thì so với “cuộc chơi lớn”, bạn hãy còn non lắm. Áp lực vừa phải, cùng với những động viên, khích lệ đúng lúc sẽ là liều “doping tinh thần” cho những cây non lớn lên khoẻ mạnh, không bị dập vùi quá sớm trong dòng đời đầy bất trắc và chắc chắn chẳng công bằng.

Hiểu vậy, nên khi đi dạy ở đại học, sau khi nghe các bạn sinh viên thuyết trình thật hào hứng, hồn nhiên về các dự án, kế hoạch truyền thông, IMC,… tôi vẫn luôn khen “các bạn đã làm rất tốt!”. Và đó là một lời khen ngợi rất thật lòng. Vì tôi hiểu rằng để làm ra một sản phẩm mang tính tập thể giữa mùa dịch này, các bạn đã phải nỗ lực thật nhiều để tìm tòi, sáng tạo, tranh luận và viết lách,…

Rồi các bạn sẽ còn nhiều thời gian để thể nghiệm bản thân, để đi thực tập, tốt nghiệp và đi làm. Và rồi tự các bạn sẽ hiểu ra điều mình làm rất tốt ngày hôm nay, sau này nhìn lại, vẫn còn nhiều thứ chưa hoàn thiện.

Đừng bao giờ tự thoả mãn, nhưng cũng đừng tự gây áp lực quá lớn cho chính mình. Cuộc đời vốn dĩ đầy rẫy bất công. Có những người dẫu xuất chúng, cũng có thể chịu những số phận hẩm hiu. Ngược lại, có sự may mắn làm nên thành công cho kẻ bất tài.

Thế nên mình cứ sống tốt mỗi ngày, hoàn thiện dần dần đã là tốt lắm rồi. Thời gian và nghị lực sống sẽ có câu trả lời cho tất cả chúng ta. Và như vậy các bạn đã làm rất tốt việc của mình.

Nhà thơ Thục Linh

Cái chết của cậu học sinh lớp 10 lại lần nữa bùng lên những lo ngại, những ý kiến, những phản bác... Cái áp lực học hành từ tờ mờ đất, cái tương lai thênh thang ông này bà nọ đánh đổi bằng nỗi mộng mơ bị canh giữ hôm nay.

Nhưng đó có phải là nguyên nhân để mà cậu gieo mình vào khoảng không? Nỗi áp lực ấy, có lẽ, chỉ là một phần. Để lao mình vào không có gì cả, người ta cần một nỗi hư vô lớn hơn, đục rỗng cả tâm hồn, xóa trắng thế giới.

275264383_10158632417991439_2379599033692032241_n.jpg
Nhà thơ Thục Linh: 'con trẻ không nghe nhạc, không bạn bè, không say mê trò chơi nào đáng lo hơn điểm số thấp'.

Nếu không có nỗi hư vô vươn từ đáy trầm cảm, khiến cái chết thường trực có mặt trong người, gây tê liệt, thì cậu thiếu niên sắp thanh niên ấy đã chọn cách nổi loạn, đối đầu, đập phá, phản bác... Mọi cách để cậu ở lại với thế giới,để có một mục tiêu để sống, để đi tới, để chống lại, để đánh đổ...

Trong bức thư để lại, điều tôi thương là các điều cậu ấy quan tâm nhất khi rời đi: Bạn bè, âm nhạc, game. Thế giới này sẽ còn gì nếu ta không còn cái quàng vai ấm áp, còn những âm và lời an ủi, còn những trò chơi khiến máu sôi lên.

Tôi cũng đi qua nhiều giai đoạn khó khăn bằng những điều quan tâm nhất như thế. Giá mà cậu, yêu hơn chút nữa một người bạn, giá mà cậu say hơn chút nữa một bản nhạc, giá mà cậu dở dang chút nữa một trò chơi, có lẽ cậu sẽ ở lại, ở lại cả đời để yêu quý, để lắng nghe, để hoàn tất.

Đừng lo lắng về những điểm số nữa, các phụ huynh, hãy lo lắng khi trẻ không nghe nhạc, không có bạn bè, không say mê trò chơi nào. Vì một đời sống, không có những điều khiến thành đời sống như thế, thì dù điểm số cao hay nhiều tiền bạc nhất, đã là một nỗi hư vô rất gần cái chết!

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Góc nhìn từ vụ nam sinh nhảy lầu tự tử : người lớn chỉ hiểu con trẻ khi thấu suốt bản thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO