Gỡ khó về thanh toán BHYT cho các bệnh viện ở TPHCM

NGUYỄN LY| 24/10/2022 07:14

Từ năm 2019-2021, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chậm thanh toán 1.088 tỉ đồng cho các bệnh viện ở TPHCM. Lý do cơ quan quản lý bảo hiểm y tế TPHCM đưa ra là tổng mức thanh toán vượt mức, việc chậm trễ này dẫn đến nhiều bệnh viện lao đao vì không có nguồn kinh phí duy trì hoạt động ổn định hằng ngày.

Gỡ khó về thanh toán BHYT cho các bệnh viện ở TPHCM
Bệnh viện gặp khó khăn khi BHYT thanh toán chậm. Ảnh: NGUYỄN LY

Bệnh viện khó xoay vì chờ thanh toán BHYT 

Bệnh viện Lê Văn Thịnh được UBND TPHCM giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2020 - 2022 đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Trung bình một năm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận gần 600.000 đến khám và điều trị. Với 500 giường bệnh đa chuyên khoa và 781 cán bộ viên chức, người lao động, kinh phí vận hành, phát triển hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị và nhân sự của bệnh viện  rất lớn.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mức giá thu bệnh nhân không có BHYT chỉ được tính 7 phần, 3 phần còn lại (chi phí nhân sự gián tiếp, khấu hao thiết bị, máy móc, chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng) chưa được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá. Trong khi đó cũng chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư.

Việc này dẫn đến bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao.

Bệnh viện hiện nay đang ký hợp đồng với Quỹ Bảo hiểm y tế TPHCM theo đơn giá dịch vụ cung cấp. Trong khi đó, giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT và thanh tra lại căn cứ trên định mức xây dựng cơ cấu giá.

Bác sĩ Khanh dẫn chứng, khi thực hiện dịch vụ siêu âm màu cho bệnh nhân, sau khi in kết quả chẩn đoán mà không in hình ảnh siêu âm màu cho bệnh nhân thì bị trừ trong đơn giá dịch vụ siêu âm cung cấp. Trong khi đó hình ảnh siêu âm màu cơ sở có lưu trữ đầy đủ trên hệ thống PACS khi cần có thể truy xuất ra. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ bất cập.

Ngoài ra, việc tạm ứng và quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập. Số tạm ứng cho đơn vị 80% chi phí khám bệnh BHYT dựa vào quý trước để cho đơn vị hoạt động vào cuối tháng đầu tiên của quý sau là không đủ. Phần 20% chờ quyết toán (thường là 3 tháng), phần vượt dự toán năm sau mới được xem xét, số chi phí chờ thẩm định, quyết toán này rất lớn. Trong khi đó bệnh viện phải thực hiện chi trả mọi chi phí tiền lương, phụ cấp và thu nhập khác thì chi theo tháng như: tiền điện, nước…

“Tiền vật tư, hoá chất sử dụng cho bệnh nhân còn phải dự trữ tồn kho theo cơ sở cho việc khám chữa bệnh kịp thời, chi phí lớn nhưng tiền thanh toán BHYT thì chậm, bệnh viện khó khăn để cân đối” - bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Vì sao chậm thanh toán BHYT?

Theo Sở Y tế TPHCM, từ lúc áp dụng phương thức thanh toán mới (phương thức tổng mức thanh toán), hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đều gặp khó khăn. Lý do là tổng mức thanh toán khám chữa bệnh BHYT thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế mà các cơ sở đã sử dụng cho bệnh nhân.

Hệ quả là các chi phí phát sinh trong khám chữa bệnh BHYT không được Quỹ BHYT thanh toán do vượt tổng mức giai đoạn 2019-2021 là 1.088 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP là 315 tỉ đồng; bệnh viện trung ương, bộ, ngành, cơ sở y tế tư nhân là 773 tỉ đồng.

Riêng trong 8.2022, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn ước tính đã vượt tổng mức thanh toán hơn 400 tỉ đồng.

Do đó, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Y tế về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các bệnh viện trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng của Sở Y tế TPHCM mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM - cho biết, cơ quan bảo hiểm đang chuẩn bị kinh phí 4.000 tỉ đồng để cấp cho các bệnh viện trong quý IV. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 10 sẽ cấp toàn bộ.

Đến hết tháng 11, Bảo hiểm xã hội TP sẽ chuyển 20% kinh phí chưa được giải ngân của quý IV năm 2021 và quý I, II năm 2022 cho các đơn vị.

Bà Hằng nhấn mạnh, năm nay Tết đến sớm, do đó các bệnh viện cần có sự chuẩn bị để không bị động trong nguồn tiền thưởng cho nhân viên y tế.

Đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng cho biết, quý IV chỉ còn hơn 2 tháng nữa, nếu Chính phủ chưa sửa Nghị định 146 thì các bệnh viện phải thanh toán theo tổng mức đã dự kiến trước đó. Vì vậy, cần phải cân đối lại tổng mức.

“Năm nay chỉ có gia tăng số lượt khám chữa bệnh, nên phải cân lại tổng mức bằng cách cân đối lại số lượt khám chữa bệnh, nếu không khi tăng tổng mức sẽ không thuyết minh được” - bà Hằng nói.

Để khắc phục đến gốc rễ khó khăn nói trên, Sở Y tế TPHCM kiến nghị, thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế (gọi tắt là Ban chỉ đạo). Trong đó, một Phó Chủ tịch UBND TP sẽ làm Trưởng ban.

Kiến nghị Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh cách tính tổng mức thanh toán khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, sớm tính đúng tính đủ chi phí khám chữa bệnh, giải quyết nhanh kinh phí cho các bệnh viện. Về lâu dài, Sở Y tế TPHCM kiến nghị thành lập cơ quan, đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Y tế để thẩm định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó về thanh toán BHYT cho các bệnh viện ở TPHCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO