Bộ Nội vụ vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng.
Theo Bộ Nội vụ, hiện nay Nghị định số 32/2021, Nghị định 33/2021 và Nghị định số 34/2021 quy định biên chế công chức phường bình quân là 15 người; số bình quân này được tính cho tổng số phường của từng quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố.
"Quy định này dẫn đến 3 thành phố không chủ động điều chỉnh được số lượng biên chế công chức phường giữa các quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, trong khi quy mô dân số của các phường có độ giãn cách rất lớn và khối lượng công việc không đồng đều giữa các phường", Bộ Nội vụ nêu thực trạng.
Vì thế, dự thảo nghị định đề xuất số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc quận được xác định như sau: Phường có từ 30.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; phường có trên 30.000- 50.000 dân được tính 16 biên chế công chức; phường có trên 50.000- 70.000 dân được tính 17 biên chế công chức; phường có trên 110.000 dân được tính 20 biên chế công chức…
Số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc thị xã như sau: Phường có từ 10.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; trên 10.000- 17.000 dân được tính 16 biên chế công chức; phường có trên 38.000 dân được tính 20 biên chế công chức…
Nếu xác định biên chế công chức phường như vậy thì tổng biên chế công chức phường của 3 thành phố dự kiến tăng 208 biên chế so với quy định hiện nay (tính trung bình 15 biên chế/phường).
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho rằng khi thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị và tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng đã giảm khoảng 700 biên chế cán bộ, công chức phường do không còn 469 cán bộ phường là Phó Chủ tịch HĐND phường; giảm số lượng Chủ tịch HĐND phường trước đó đã được các thành phố bố trí hoạt động chuyên trách và giảm được khoảng 170 cán bộ, công chức cấp xã (trong đó có các phường trực thuộc) sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Căn cứ vào tổng số biên chế công chức phường của 3 thành phố, UBND các thành phố trình HĐND cùng cấp phân bổ tổng số lượng biên chế công chức phường của từng quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố.
"Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức", dự thảo nêu.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đề xuất quy định trường hợp nhân sự dự kiến bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường chưa phải là công chức thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm theo quy định và quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng công chức.
UBND TP Hà Nội, TPHCM quy định cụ thể tiêu chuẩn các chức danh công chức làm việc tại UBND phường bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn của công chức cấp huyện.
Căn cứ vào số lượng, vị trí chức danh công chức làm việc tại UBND quận, thành phố thuộc TPHCM, phường và nhu cầu tuyển dụng, Chủ tịch quận, Chủ tịch UBND thành phố thuộc TPHCM xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức làm việc tại UBND quận, thành phố thuộc TPHCM (trường hợp được UBND TPHCM phân cấp hoặc ủy quyền) và phường trực thuộc gửi Sở Nội vụ thống nhất trước khi thực hiện.