Giúp con dùng Internet an toàn ngay từ điện thoại của bố mẹ

30/11/2023 16:17

Quản lý hoạt động trên mạng của trẻ em là câu hỏi hóc búa của các phụ huynh, nhất là khi dễ dàng xem được nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Cần phải có giải pháp phù hợp, đơn giản để bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể sử dụng được.

Quản lý con dùng Internet ngay từ điện thoại của bố mẹ

Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã đưa ra những chỉ thị về bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), trong đó có chỉ số hộ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng có sử dụng giải pháp ATTT mạng cơ bản đạt trên 10%.

An toàn thông tin không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp, mà còn của từng gia đình, cá nhân. Vì vậy, cần phải có giải pháp ATTT ở mức độ gia đình. Đặc biệt, trẻ em hoạt động trên môi trường số hiện tại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

W-background-1.png
Ông Hồ Trọng Đạt – Phó Giám đốc Trung tâm ATTT Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - chia sẻ tại Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023. (Ảnh: Du Lam)

Trong thời gian Covid-19, có thể thấy quản lý hoạt động trên mạng của trẻ em là câu hỏi hóc búa của các phụ huynh, nhất là khi dễ dàng xem được nội dung 18+, không phù hợp với lứa tuổi.

Nghiện YouTube, nghiện game cũng là một vấn đề nhức nhối. Theo khảo sát nhanh của VNPT, việc chặn game là nỗi đau đầu của nhiều bố mẹ.

Dù có nhiều giải pháp kỹ thuật, điều cần quan tâm là làm thế nào để ngay cả những bố mẹ không có hiểu biết về công nghệ cũng bảo vệ được con cái một cách đơn giản nhất.

Khảo sát của VNPT cũng cho thấy khoảng 90% khách hàng có nhu cầu quản lý việc sử dụng Internet trong gia đình, 10% băn khoăn với vấn đề an toàn và nội dung xấu độc trên mạng. Xem video, dùng mạng xã hội, nhắn tin đứng 3 vị trí top đầu hoạt động trên mạng của trẻ em.

Hạn chế chung của các giải pháp hiện nay là khó sử dụng, yêu cầu phải có tư duy về kỹ thuật, chặn lọc, không quản lý được mọi thiết bị trong gia đình, đặc biệt là Smart TV.

Chính vì vậy, VNPT đã cùng đối tác nghiên cứu giải pháp triển khai hướng đến hai vấn đề quản lý và an toàn.

Về vấn đề an toàn, khi trẻ tò mò và tìm kiếm từ khóa không phù hợp, VNPT Family Safe sẽ tự động điều hướng đến tìm kiếm an toàn của Google, Bing... Hệ thống kết nối với cơ sở dữ liệu của Cục An toàn thông tin để cập nhật khi tin tặc cố ý gửi đường link chứa mã độc, đánh cắp tài khoản.

Về tính năng quản lý, giải pháp thiết lập thời gian sử dụng game, mạng xã hội, xem video của mỗi thiết bị... ngay trên ứng dụng duy nhất trên điện thoại của bố mẹ. Tất cả khách hàng sử dụng mạng băng rộng của VNPT sẽ được tự động bật ứng dụng và chỉ cần đăng ký qua app.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, có 3,4 triệu người dùng Việt Nam dùng mật khẩu dạng 123456. Đây là mật khẩu dễ nhớ, dễ đăng nhập nhưng đi cùng với nguy cơ dễ bị tấn công, đánh cắp.

Một báo cáo khác của Microsoft cho biết, có tới 80% các vụ việc bị tiết lộ thông tin, đánh cắp dữ liệu liên quan đến mật khẩu yếu.

Các hình thức xác thực như SMS OTP, xác thực đa yếu tố (MFA) vẫn có thể bị qua mặt cùng với sự tiến bộ của công nghệ, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo... Lừa đảo trực tuyến tiếp tục tăng mạnh, nhiều thông tin đăng nhập của người dùng dễ dàng mua với giá rẻ qua chợ đen.

Trước thực trạng này, đòi hỏi phải có giải pháp mới nhằm giúp người dùng giải quyết được điểm yếu mật khẩu. Một trong số đó là xác thực mạnh không mật khẩu (passwordless).

Xác thực mạnh không mật khẩu giúp tạo niềm tin số

Theo ông Philip Hùng Cao, Phó TGĐ phụ trách Chiến lược, Phát triển thị trường, Kinh doanh và Marketing, Công ty cổ phần an ninh mạng VinCSS, xác thực mạnh không mật khẩu đang nhận được sự quan tâm tại châu Á – Thái Bình Dương, không chỉ ở các phòng ban công nghệ thông tin (CNTT) mà cả ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Họ đã nhìn nhận được vai trò quan trọng của xác thực mạnh không mật khẩu trong bối cảnh vừa phải hồi phục hậu Covid-19 vừa phải phát triển tổ chức và đưa ra dịch vụ mới trên không gian mạng để tạo ra giá trị mới.

fira 11.jpg
Ông Philip Hùng Cao, Phó TGĐ phụ trách Chiến lược, Phát triển thị trường, Kinh doanh và Marketing, Công ty cổ phần an ninh mạng VinCSS. (Ảnh: mstar)

Thị trường xác thực mạnh toàn cầu được định giá 6,6 tỷ USD vào năm 2021 và tăng lên 8,33 tỷ USD năm 2022. Từ năm 2023 đến 2030, có thể lên tới 53,59 tỷ USD. 54% tổ chức bắt đầu dịch chuyển sang xác thực mạnh không mật khẩu.

Tại Đông Nam Á, Malaysia, Singapore và Thái Lan là ba nước áp dụng xác thực mạnh không mật khẩu tiêu biểu cho các lĩnh vực như tài chính, bán lẻ, y tế, sản xuất.

Việt Nam chính thức tham gia Liên minh xác thực trực tuyến thế giới (FIDO Alliance) và trở thành thành viên thứ 10 cấp chính phủ.

Ông Philip Hùng Cao đánh giá đây là tiền đề quan trọng để bước vào năm 2024. Các hoạt động truyền thông, hội thảo... liên quan đến xác thực mạnh không mật khẩu ở Việt Nam đang tăng nhanh.

Xác thực mạnh không mật khẩu không chỉ là công nghệ, tiêu chuẩn mà còn là một cách tiếp cận, nền tảng giúp tạo niềm tin số cho công dân số.

Phương pháp cân bằng được giữa an toàn cao nhất – chi phí – đơn giản, giúp người dân sử dụng dịch vụ trên không gian số an toàn hơn.

Từ đó, xây dựng xã hội số an toàn, thúc đẩy chính phủ số và kinh tế số phát triển mạnh mẽ, giúp chiến lược chuyển đổi số quốc gia thành công và hiệu quả hơn.

Ông Philip Hùng Cao đề xuất chính phủ và bộ, ban, ngành liên quan ban hành chính sách xác thực mạnh không mật khẩu cho các giao dịch trực tuyến ở Việt Nam.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giúp con dùng Internet an toàn ngay từ điện thoại của bố mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO